Căn cứ pháp lý
- Luật doanh nghiệp 2020
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP
- Nghị định 96/2016/NĐ-CP
1, Hộ kinh doanh là gì?
Hiện nay không có quy định nào định nghĩa về hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ”.
2. Chủ hộ kinh doanh
Theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì chủ hộ kinh doanh là một trong các đối tượng sau:
– Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh;
– Người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
3. Ai được thành lập hộ kinh doanh?
Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh, trừ các trường hợp sau đây:
– Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
4, Hộ kinh doanh có được kinh doanh dịch vụ bảo vệ không?
Điều 11 Nghị định 96/2016/NĐ-Cp quy định:
Điều kiện về an ninh, trật tự đối với kinh doanh dịch vụ bảo vệ
Ngoài điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định này, cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Là doanh nghiệp.
2. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên và không phải là người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ mà trong 24 tháng liền kề trước đó đã bị thu hồi không có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (trừ quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định này).
3. Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ của Việt Nam liên doanh với cơ sở kinh doanh nước ngoài:
Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ của Việt Nam chỉ được liên doanh với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ nước ngoài trong trường hợp cần đầu tư máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ và chỉ được thực hiện dưới hình thức cơ sở kinh doanh nước ngoài góp vốn mua máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ.
4. Cơ sở kinh doanh nước ngoài đầu tư góp vốn với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ của Việt Nam:
a) Là doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ liên tục ít nhất 05 năm;
b) Người đại diện cho phần vốn góp của cơ sở kinh doanh nước ngoài là người chưa bị cơ quan pháp luật của nước ngoài nơi họ hoạt động kinh doanh xử lý về hành vi vi phạm có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ từ cảnh cáo trở lên;
c) Phần vốn góp của cơ sở kinh doanh nước ngoài chỉ được sử dụng để mua máy móc, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ. Số vốn góp đầu tư của cơ sở kinh doanh nướcngoài ít nhất là 1.000.000 USD (một triệu đô la Mỹ). Việc định giá máy móc, thiết bị kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước về giá có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên thực hiện; chi phí định giá do cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ chi trả.
Để được kinh doanh dịch vụ bảo vệ, trước tiên đơn vị kinh doanh phải đáp ứng điều kiện là doanh nghiệp. Hộ kinh doanh không phải doanh nghiệp nên không được kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.