Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Cùng với các loại hình doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh khác, “hợp tác xã” ngày nay cũng đang đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu phát triển của nền kinh tế. Hợp tác xã còn được biết đến như một đại diện của hình thức kinh tế tập thể. Vậy hợp tác xã là gì, ưu-nhược điểm của loại hình này như thế nào? Để giải quyết vấn đề này, đội ngũ luật sư của Luật Hồng Bàng sẽ đề cập đến khái niệm, đặc điểm cũng như ưu và nhược điểm của hợp tác xã.

Hiện nay, các nội dung về hợp tác xã hiện nay được quy định tại Luật hợp tác xã năm 2012, Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về khái niệm hợp tác xã:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật hợp tác xã năm 2012, “Hợp tác xã” là khái niệm dùng để chỉ một tổ chức kinh tế tập thể do ít nhất 07 thành viên cùng tự nguyện thành lập, đồng sở hữu và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong việc thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra việc làm, nhằm đáp ứng nhu cầu chung của tập thể các thành viên. Hợp tác xã là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân, hoạt động trên cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thực hiện cách thức quản lý hợp tác xã theo cơ chế bình đẳng và dân chủ.

Trong đó: Nhu cầu chung của thành viên, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật hợp tác xã năm 2012, là khái niệm dùng để chỉ những mong muốn, những nhu cầu phát sinh thường xuyên, ổn định về việc được phép sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chung của các thành viên hợp tác xã.

Thứ hai, về đặc điểm của hợp tác xã:

Căn cứ vào khái niệm hợp tác xã và các quy định khác về hợp tác xã, có thể thấy, hợp tác xã có những đặc điểm sau đây:

Một là, Hợp tác xã trước hết được xác định là một tổ chức kinh tế có tính tập thể.

Hợp tác xã được xác định là một tổ chức kinh tế, bởi lẽ đây cũng là một tô chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, mà cụ thể là hoạt động theo quy định của Luật hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn Luật hợp tác xã. Việc khẳng định hợp tác xã là một tổ chức kinh tế được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 3 Luật hợp tác xã năm 2012, và tại khoản 16 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2014.

Tuy nhiên, hợp tác xã không phải là một tổ chức kinh tế thông thường mà là tổ chức kinh tế mang tính tập thể. Đặc điểm này xuất phát từ đặc trưng hợp tác xã là tổ chức được lập nên dưới sự tham gia của tập thể nhiều xã viên cùng tự nguyện hợp tác, tương trợ cùng nhau giải quyết các yêu cầu chung, mục đích chung trong việc sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế. Hợp tác xã cũng được xác định là sự thể hiện của hình thức kinh tế tập thể, sự sở hữu tập thể.

Hai là, Hợp tác xã là tổ chức kinh tế vừa thể hiện tính kinh doanh vừa mang tính xã hội.

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế mang tính xã hội, bởi bên cạnh việc cùng sản xuất và cùng kinh doanh, tạo ra thu nhập thì hợp tác xã còn tạo điều kiện cho tất cả các thành viên của mình cùng lao động sản xuất, đóng góp trên cơ sở tự nguyện và được hưởng lợi từ việc lao động của mình. Việc thành lập và phát triển của hợp tác xã không chỉ tạo ra việc làm cho thành viên, giảm được tình hình thất nghiệp của xã hội mà còn tạo điều kiện phát triển cho những cá nhân nhỏ lẻ, không đủ khả năng tự kinh doanh độc lập. Ngoài ra, qua khái niệm hợp tác xã, có thể thấy đây là sự thể hiện của hình thái kinh tế tập thể mang tính cộng đồng.

Ba là, Hợp tác xã có số lượng thành viên tối thiểu là 07 thành viên.

Đặc điểm này xuất phát từ việc để thành lập hợp tác xã thì ít nhất phải có ít nhất 07 thành viên tự nguyện tham gia thành lập hợp tác xã. Thành viên của hợp tác xã có thể là cá nhân, hộ gia đình, và cũng có thể là pháp nhân. Trong đó, nếu là cá nhân thì phải từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; nếu là hộ gia đình thì phải có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Bốn là, Hợp tác xã có tư cách pháp nhân và chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn của mình.

Hợp tác xã là một tổ chức có tư cách pháp nhân, bởi tổ chức này đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được công nhận là pháp nhân theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể:

– Hợp tác xã là tổ chức được thành lập một cách hợp pháp theo quy định của Luật hợp tác xã.

Hợp tác xã được thành lập dưới sự tự nguyện thành lập của các sáng lập viên thông qua hội nghị thành lập hợp tác xã. Hợp tác xã có điều lệ, có tên, biểu tượng riêng của hợp tác xã, và có đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi chính thức đi vào hoạt động.

– Hợp tác xã cũng có cơ cấu tổ chức như cơ cấu tổ chức của một pháp nhân, cũng có cơ quan điều hành, có điều lệ theo quy định của pháp luật. 

Cơ cấu tổ chức của hợp tác xã, bao gồm đại hội thành viên, hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc) và ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên.Trong đó, đại hội thành viên là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của hợp tác xã. Còn hội đồng quản trị hợp tác xã là cơ quan quản lý hợp tác xã do hội nghị thành lập hoặc đại hội thành viên bầu. Giám đốc (tổng giám đốc) là người điều hành hoạt động của hợp tác xã. Và Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên là cơ quan/người do đại hội thành viên bầu và kiểm soát, giám sát hoạt động của hợp tác xã.

– Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.

Tài sản của hợp tác xã không chỉ là tiền (vốn góp, vốn huy động, vốn hình thành trong quá trình hoạt động, các khoản trợ cấp, lợi nhuận), mà còn là các phần vật chất khác như tài sản hiện hữu cố định, quyền sử dụng đất. Những tài sản của hợp tác xã được quản lý và sử dụng theo nguyên tắc, quy định trong điều lệ, trong quy chế quản lý tài chính, và hoàn toàn độc lập với tài sản riêng của các xã viên (thành viên hợp tác xã). 

Mọi giao dịch liên quan đến hoạt động của hợp tác xã đều do hợp tác xã chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản của mình.

– Nhân danh mình độc lập tham gia vào các quan hệ pháp luật.

Năm là, các thành viên của hợp tác xã tham gia hợp tác xã không chỉ trên tinh thần tự nguyện, cùng lao động sản xuất, cùng làm việc, cùng đầu tư mà còn trên cơ sở cùng phân phối và cam kết sử dụng hàng hóa, dịch vụ do chính hợp tác xã cung cấp. Trường hợp không sử dụng sản phẩm dịch vụ trong thời gian từ 03 năm trở lên hoặc không làm việc trong hợp tác xã từ 02 năm trở lên thì có thể bị mất tư cách thành viên. Điều này cũng cho thấy sự khác biệt đối với các hình thái kinh doanh khác.

Thứ ba, ưu và nhược điểm của hợp tác xã.

Cũng giống như các loại hình doanh nghiệp hay các tổ chức khác, hợp tác xã cũng có những ưu nhược điểm nhất định:

  • Ưu điểm của hợp tác xã:

– Hợp tác xã là mô hình tổ chức kinh tế mà có thể thu hút được nhiều thành viên tham gia, tạo điều kiện phát triển cho việc sản xuất, kinh doanh của những cá thể riêng lẻ, thể hiện tính xã hội cao.

– Việc quản lý hợp tác xã được thực hiện trên nguyên tắc dân chủ và bình đẳng, nên không phân biệt nhiều vốn hay ít vốn, đóng góp nhiều hay đóng góp ít, các xã viên vẫn được bình đẳng trong việc biểu quyết, quyết định các vấn đề của hoạt động của hợp tác xã.

– Thành viên trong hợp tác xã chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn đã góp vào hợp tác xã. Trường hợp này, trách nhiệm hữu hạn tạo điều kiện cho cho các xã viên có thể yêu tâm cùng đầu tư, sản xuất, kinh doanh tránh được tâm lý lo lắng rủi ro khi tham gia vào hợp tác xã.

  • Nhược điểm của hợp tác xã:

– Cũng do cơ chế bình đẳng, dù đóng góp được nhiều hay ít vốn thì đều có quyền quyết định như nhau đối với vấn đề của hợp tác xã, nên mô hình hợp tác xã thường không thu hút được thành viên đóng góp được nhiều vốn, vì thành viên tham gia hợp tác xã sẽ cảm thấy quyền lợi về việc quyết định không phù hợp với số vốn mà mình đã góp.

– Số lượng thành viên tham gia hợp tác xã thường rất đông nên sẽ có nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp trong quá trình quản lý hợp tác xã.

– Nguồn vốn của hợp tác xã thường được huy động chủ yếu từ nguồn vốn góp từ các thành viên và có tiếp nhận thêm các khoản trợ cấp, hỗ trợ từ Nhà nước và các tổ chức khác, nhưng qua đó cũng cho thấy khả năng huy động vốn không cao so với các hình thái kinh tế khác.

Như vậy, qua phân tích nêu trên, có thể thấy hợp tác xã là một tổ chức kinh tế đặc biệt, là đại diện cho hình thái kinh tế tập thể, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của nền kinh tế của đất nước.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Mr Nhật Nam qua  hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 24/7: 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!

Công ty Luật Hồng Bàng./