Ngày 1/1/2021, Bộ luật Lao động năm 2019 sẽ chính thức có hiệu lực pháp luật. Hiện nay, rất nhiều người lao động, người sử dụng lao động quan tâm đến những điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019. Hiểu được vấn đề này, Công ty luật Hồng Bàng với đội ngũ luật sư có kinh nghiệm và chuyên môn cao gửi tới Quý khách hàng một số điểm mới quan trọng của Bộ luật Lao động năm 2019.
1.Đưa ra khái niệm Hợp đồng lao động
Theo khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019 thì: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động“.
So với Bộ luật Lao động năm 2012, thì việc đưa ra khái niệm hợp đồng lao động của Bộ luật Lao động năm 2019 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Việc đưa ra khái niệm, các dấu hiệu để nhận biết hợp đồng lao động sẽ là có tác dụng đánh giá đúng bản chất hợp đồng giữa một cá nhân với một công ty, tránh việc trốn tránh nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
2. Chỉ còn hai loại hợp đồng lao động, không còn hợp đồng lao động mùa vụ
Theo Bộ Luật lao động năm 2019 thì hợp đồng lao động chỉ còn hai loại là:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Như vậy, từ ngày 1/1/2012, hợp đồng lao đồng lao động mùa vụ đã được loại ra khỏi các loại hợp đồng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động được phép ký kết.
3. Người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do
Theo khoản 1 điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định thì tất cả người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và phải tuân thủ nghĩa vụ báo trước, như sau:
- Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
- Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ luật Lao động năm 2019 cũng mở rộng quyền của người lao động cho phép trong một số trường hợp cụ thể người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần tuân thủ thời gian báo trước.
4.Bổ sung một số lý do Người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Căn cứ tại điều 36 Bộ Luật lao động năm 2019 thì bổ sung thêm 03 lý do người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:
- Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác
- Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên
- Người lao động cung cấp thông tin không trung thực khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.
Đối với trường hợp chấm dứt Hợp đồng lao động do người sử dụng không có mặt tại nơi làm việc và người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày liên tục trở lên thì người sử dụng lao động không phải báo trước cho người lao động. Việc quy định thêm trường hợp tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày liên tục thì người sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động và không phải báo trước là quy định mới, có ý nghĩa lớn, người lao động sẽ không phải ra quyết định kỷ luật sa thải như quy định cũ.
5. Thay đổi, bổ sung hình thức giao kết hợp đồng
Căn cứ theo Khoản 2 điều 16 Bộ Luật lao động năm 2012 quy định: “Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói”. Thì quy định tại khoản 2 điều 14 Bộ Luật lao động năm 2019 đã quy định rút ngắn lại thời hạn của hợp đồng lao động được giao kết bằng lời nói là hợp đồng lao động dưới 1 tháng, trừ các trường hợp: Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động; Phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó; Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình
Ngoài ra, theo sự phát triển của khoa học công nghệ, Bộ Luật lao động năm 2019 đã mở rộng hình thức của hợp đồng lao động bao gồm Hợp đồng lao động bằng văn bản, hợp đồng lao động bằng lời nói, hợp đồng lao động giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu có giá trị như HĐLĐ bằng văn bản.
6.Bổ sung quy định về thời gian thử việc đối với người lao động
Cụ thể, theo thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:
- Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo
- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
- Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khácKhông áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.
Như vậy, bên cạnh việc tiếp tục kế thừa các quy định về thời gian thử việc đối với người lao động tại Bộ luật Lao động năm 2012, thì Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung thêm thời gian thử việc đối với người quản lý doanh nghiệp, theo đó, thời gian này sẽ không quá 180 ngày
7. Tăng độ tuổi nghỉ hưu
Căn cứ theo điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 thì từ 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ. Riêng người bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể nghỉ hưu trước không quá 05 tuổi. Tăng độ tuổi nghỉ hưu là một quyết định quan trọng, phù hợp với sự phát triển của kinh tế và xã hội.
8. Tăng thêm 1 ngày nghỉ dịp Quốc Khánh
Bộ luật Lao động năm 2019 còn bổ sung thêm 01 ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề với ngày Quốc khánh, có thể là 01/9 hoặc 03/9 Dương lịch tùy theo từng năm. Trong đó, người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương.
Theo Quy định mới thì tổng số ngày nghỉ lễ, tết hàng năm sẽ nâng lên 11 ngày, trong đó: Tết Dương lịch: 01 ngày; Tết Âm lịch: 05 ngày; Ngày Chiến thắng (30/4 Dương lịch): 01 ngày; Ngày Quốc tế lao động (01/5 Dương lịch): 01 ngày; Ngày Quốc khánh: 02 ngày; Ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch): 01 ngày.
9. Tăng trường hợp được nghỉ việc riêng vẫn hưởng nguyên lương
Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong những trường hợp sau đây:
- Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
- Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
Như vậy, so với quy định hiện hành, Bộ luật Lao động 2019 bổ sung thêm trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi; cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết thì người lao động được nghỉ 03 ngày.
10. Quy định chặt chẽ hơn về nội quy lao động
Căn cứ theo Điều 118 Bộ luật Lao động năm 2019 thì quy định về Nội quy lao động chặt chẽ hơn, đảm bảo quyền lợi cho người lao động hơn, cụ thể:
- Người sử dụng lao động phải ban hành Nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản.
- Bổ sung quy định về nội dung chủ yếu của nội quy lao động như: phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc; những trường hợp được tạm thời chuyển NLĐ làm việc khác so với HĐLĐ; người có thẩm quyền xử lý KLLĐ
11. Trao quyền nhiều hơn do doanh nghiệp trong việc thỏa thuận lương khi ngừng việc
Theo điều khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động năm 2019 thì Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì nguyên nhân khác quan thì tiền lương ngừng việc được hai bên thỏa thuận theo các trường hợp sau:
- Ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì thỏa thuận tiền lương ngừng việc không thấp hơn mức lương tối thiểu
- Ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải đảm bảo tiền lương ngừng việc trong 14 ngày làm việc đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu
Nếu quy định hiện hành cho các bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định thì kể từ ngày 1/1/2021, các bên chỉ cần đảm bảo tiền lương ngừng việc trong 14 ngày làm việc đầu tiên không thấp hơn lương tối thiểu.
12. Thay đổi quy định về đối thoại tại nơi làm việc
Nếu như quy định hiện hành đang quy định việc đối thoại tại nơi làm việc được tổ chức định kỳ 03 tháng/lần thì khoản 1 Điều 63 Bộ luật Lao động 2019 đã nâng thời gian tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc lên 1 năm/lần.
Ngoài ra, đối thọai tại nơi làm việc có thể được diễn ra khi có yêu cầu của một hoặc các bên hoặc khi có vụ việc liên quan đến Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc; Thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; Phương án sử dụng lao động; Xây dựng thanh lương, bảng lương và định mức lao động; Thưởng; Nội quy lao động ; Người sử dụng lao động tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp.
Ngoài ra, điều 64 Bộ luật Lao động năm 2019 còn quy định nội dung đối thoại là bắt buộc.
Trên đây, là một số điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 mà Công ty Luật Hồng Bàng thấy quan trọng đối với doanh nghiệp và người lao động.
MỌI THẮC MẮC QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN CHI TIẾT:
CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG
Điện thoại: 0912 35 65 75 – 0968 35 65 75 (Luật sư Nhật Nam)
Email: Lienheluathongbang@gmail.com