Công ty Luật Hồng Bàng sẽ cung cấp thông tin cho quý khách hàng về vấn đề hoàn thiện điều kiện nuôi con nuôi trong pháp luật Việt Nam trong bài viết dưới đây!
Sự cần thiết phải hoàn thiện điều kiện nuôi con nuôi
Luật nuôi con nuôi năm 2010 đã quy định về điều kiện nuôi con nuôi rất chi tiết, cụ thể, rõ ràng và có những điểm tiến bộ hơn so với quy định về điều kiện nuôi con nuôi trong luật hôn nhân gia đình năm 2014 nhưng vẫn còn bộc lộ một số bất cập và hạn chế, một số quy định còn chưa cụ thể và rõ ràng.
Điều kiện đối với người nhận nuôi còn bộc lộ một số điểm hạn chế:
Thứ nhất, Luật con nuôi chỉ quy định người nhận nuôi phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên (điểm b khoản 1 Điều 14). Đây là khoảng cách tối thiểu giữa người nhận nuôi và con nuôi. Khi xét trên một cách tổng thể dựa trên quyền lợi ích của trẻ em thì quy định này có phần hơi cứng nhắc, chưa phù hợp với mục đích của việc nuôi con nuôi bởi quan hệ cha mẹ và con trong việc nuôi con nuôi được hình thành dựa trên cở sở ý chí, tình cảm của các bên. Việc xác lập quan hệ nuôi con nuôi là xác lập mối quan hệ cha mẹ con gắn bó lâu dài, có tính chất bền vững, giữa hai bên phải thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ với nhau. Mặt khác, quy định độ tuổi tối đa của người nhận nuôi cũng rất quan trọng vì nếu tuổi tác chênh lệch sẽ không phù hợp với mối quan hệ cha mẹ và con. Hơn nữa, khi tuổi của cha mẹ nuôi đã quá cao (ví dụ như ngoài 65-70 tuổi) thì khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi sẽ không được đảm bảo một cách đầy đủ.
Thứ hai, điều kiện nhận nuôi con nuôi theo Luật nuôi con nuôi năm 2010 chưa mở rộng đến việc cấm những người nhận con nuôi có nguy cơ gây ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của trẻ như những người mắc bệnh hiểm nghèo như HIV/AIDS, bệnh truyền nhiễm,… có được nuôi con nuôi hay không?
Thứ ba, người nhận nuôi con nuôi “có tư cách đạo đức tốt”. Tuy nhiên, tư cách đạo đức là một phạm trù rộng lớn, khó thể có một định nghĩa rõ ràng, chính vì thế sẽ gây ra những khó khăn trong việc xác định một người thế nào là người có tư cách đạo đức tốt. Điều này có thể khiến cho việc áp dụng pháp luật khá khó khăn cũng như mang tính không khả thi.
Thứ năm, về thời gian thử thách trong việc xác lập nuôi con nuôi. Trên thực tế, có rất nhiều người nhận trẻ em về làm con nuôi không phải vì lợi ích của đứa trẻ mà lại vì mục đích trục lợi, có hành vi bóc lột, hành hạ, đanh đập dã man cũng như lạm dụng tình dục. Trước thực trạng đó, pháp luật cũng nên quy định về thời gian thử thách trong việc xác lập nuôi con nuôi để đảm bảo lợi ích của người con nuôi.
Điều kiện của người được nhận làm con nuôi còn một số bất cập, vướng mắc gây khó khăn trong quá trình áp dụng
Luật Nuôi con nuôi chưa quy định cụ thể về hoàn cảnh của trẻ em được nhận làm con nuôi. Việc chỉ quy định độ tuổi mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào khác của người được cho làm con nuôi dẫn đến một nhận thức rằng mọi trẻ em từ 16 tuổi trở xuống đều có thể được cho làm con nuôi.
Quy định của pháp luật hiện hành này đã dẫn đến hiện tượng lợi dụng việc cho – nhận nuôi con nuôi nhằm những mục đích trục lợi khác, mà không xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và người được nhận làm con nuôi. Quy định về hoàn cảnh gia đình của trẻ em được cho làm con nuôi vừa phải đảm bảo tối đa quyền của trẻ em được sống trong gia đình gốc, sống chung với cha mẹ đẻ, vừa ngăn chặn những hành vi trục lợi trong việc nuôi con nuôi như “lợi dụng việc làm con nuôi của thương bình, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của nhà nước” (khoản 5 Điều 13 Luật nuôi con nuôi). Bên cạnh đó còn có trường hợp cô, dì, chú, bác, cậu ruột đang định cư ở nước ngoài thỏa thuận nhận nuôi cháu ruột đưa sang sinh sống, học tập ở nước ngoài nhằm hưởng lợi theo pháp luật nước đó. Chính vì vậy, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về hoàn cảnh gia đình của trẻ em được nhận nuôi nên việc giải quyết yêu cầu nuôi con nuôi trong các trường hợp như vậy là rất khó khăn.
Một số giải pháp cụ thể
Đối với điều kiện của người nhận nuôi con nuôi
- Theo Khoản 1 Điều 14 Luật nuôi con nuôi, người nhận nuôi con nuôi có lẽ không nhất thiết phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên. Khoảng cách độ tuổi như vậy là hơi quá lớn, lại có thể làm mất đi quyền lợi được nhận nuôi con nuôi, giúp các em có một môi trường gia đình, một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc hơn. Chúng ta có thể vận dụng Điều 344 Bộ luật Dân sự Pháp, Điều luật đã quy định: “Người nhận nuôi con nuôi phải hơn con nuôi từ mười lăm tuổi trở lên”.
- Bên cạnh đó, Luật nuôi con nuôi cũng không giới hạn độ tuổi tối đa của người nhận nuôi con nuôi. Điều đó có nghĩa là ở bất cứ độ tuổi nào, người nhận nuôi cũng có thể nuôi con nuôi. Tuy nhiên, người nhận nuôi phải ở trong một độ tuổi nhất định mới có thể đủ điều kiện về sức khỏe, khả năng chăm sóc, giáo dục con nuôi. Trong điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay ở Việt Nam, có thể quy định người nhận nuôi con nuôi không quá 60 tuổi, bởi đây cũng là độ tuổi của người cao tuổi theo pháp luật Việt Nam, được hưởng sự chăm sóc, phụng dưỡng của gia đình, xã hội.
- Luật cũng nên quy định cấm những người mắc bệnh hiểm nghèo, lây lan như HIV/AIDS,… không được nuôi con nuôi bởi lẽ, những căn bệnh này có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của đứa trẻ.
- Việc xác định tư cách đạo đức của bố mẹ nuôi là điều rất khó nhưng luật cũng nên đưa ra một số tiêu chí để xác định: có giấy xác nhận không bị tiền án, tiền sự, không vi phạm các quy định của pháp luật,…
Đối với điều kiện của người được nhận làm con nuôi
- Luật nên quy định chặt chẽ hơn và thêm một số điều kiện chứ không chỉ có một điều kiện duy nhất là những người dưới 16 tuổi được nhận nuôi để tránh tình trạng việc lợi dụng việc nuôi con nuôi này vào những mục đích khác nhau
- Luật cũng nên quy định về thời gian thử thách trong quá trình nuôi con nuôi. Thời gian thử thách có thể là 6 tháng – 1 năm. Trong khoảng thời gian đó nếu đứa trẻ không thể hòa nhập được với gia đình thì nên chấm dứt việc nuôi con nuôi để tìm một gia đình mới phù hợp cho đứa trẻ, đảm bảo cho đứa trẻ được sống trong một môi trường gia đình tốt hơn.
Những giải pháp khác
- Tuyên truyền rộng rãi nâng cao hiểu biết về pháp luật nuôi con nuôi nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em đến mọi người dân trong xã hội. Chúng ta nên học tập một số nước tổ chức các lớp tập huấn cách làm cha mẹ, cách nuôi dạy con cho các bậc cha mẹ mà cụ thể ở đây là các cá nhân, cặp vợ chồng có ý định xin nhận con nuôi. Mục đích nhân đạo, mong muốn tìm kiếm cho trẻ một gia đình thay thế rất dễ bị một số kẻ lợi dụng nên việc thu hút sự quan tâm, đồng tình và ủng hộ với việc nuôi con nuôi trong dư luận quần chúng để mọi người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc nuôi con nuôi.
- Chú trọng phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát trong lĩnh vực Nuôi con nuôi nhằm đảm bảo quyền lợi trẻ em.