Hiện nay, rất nhiều người quá độ tuổi lao động vẫn còn đủ sức khỏe, muốn cống hiến cho xã hội, vẫn muốn tiếp tục lao động, họ tiếp tục ký hợp đồng lao động với đơn vị sử dụng lao động để làm một số công việc phù hợp với sức khỏe của bản thân và yêu cầu của người sử dụng lao động. Vậy với những đối tượng trên thì họ có phải là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội hay không? Đây là thắc mắc mà chúng tôi đã nhận được trong thời gian gần đây. Để giúp quý khách hiểu thêm về những quy định của pháp luật về vấn đề này, Luật Hồng Bàng xin cung cấp tư vấn như sau:
1.Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Lao động năm 2012
- Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
2. Độ tuổi lao động theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012
Căn cứ vào khoản 1 điều 3 Bộ luật lao động năm 2012 và điều 187 Bộ luật lao động năm 2012 thì độ tuổi lao động theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 như sau: tại Việt Nam độ tuổi lao động sẽ là từ 15 – 60 tuổi đối với nam và 15 – 55 tuổi đối với nữ.
Khi sử dụng lao động vượt quá độ tuổi lao động thì theo căn cứ tại điều 166 và điều 167 Bộ luật lao dodognj năm 2012 thì người sử dụng lao động phải lưu ý:
- Người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
- Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người lao động cao tuổi, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.
3. Người lao động khi vượt quá độ tuổi lao động có bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội không?
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều 2 Luật bảo hiểm xã hội thì đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bao gồm:
“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
2. Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ“.
Có thể thấy theo quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội không có sự phân biệt về độ tuổi của người lao động để yêu cầu tham gia đóng bảo hiểm xã hội mà chỉ căn cứ vào hợp đồng lao động để yêu cầu họ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nhưng, căn cứ theo khoản 9 điều 123 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì “Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc”, vậy có thể phân thành các trường hợp sau:
- Trường hợp 1: Nếu người lao động quá độ tuổi lao động nhưng không hưởng lương hưu, không hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, không hưởng trợ cấp hàng tháng khi ký kết hợp đồng lao động thì phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Trường hợp 2: Nếu người lao động quá độ tuổi lao động nhưng được hưởng lương hưu, hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, hưởng trợ cấp hàng tháng khi giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Lưu ý: đối với trường hợp 2 thì căn cứ theo khoản 3 điều 186 Bộ luật lao động năm 2012 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định.
Trên đây là những ý kiến tư vấn về vấn đề mà quý khách hàng quan tâm.
MỌI THẮC MẮC QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN CHI TIẾT:
CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG
Điện thoại: 0912 35 65 75 – 0968 35 65 75 (Luật sư Nhật Nam)
Tổng đài tư vấn trực tuyến: 1900 6575