Tạm hoãn hợp đồng lao động là một trong những cách thức bảo vệ việc làm cho người lao động trước những vấn đề trong cuộc sống. Dưới đây là những điều mà người lao động nên biết trong trường hợp này.
Thế nào là tạm hoãn hợp đồng lao động?
Theo cách hiểu thông thường, tạm hoãn hợp đồng lao động là việc tạm dừng thực hiện hợp đồng lao động trong một thời gian nhất định vì các lý do theo pháp luật quy định hoặc thỏa thuận giữa hai bên.
Các trường hợp tạm hoãn
Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động 2012, có 05 trường hợp người lao động được tạm hoãn hợp đồng, cụ thể:
(1) Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự;
(2) Người lao động bị tạm giữ, tạm giam;
(3) Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;
(4) Lao động nữ mang thai có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền nếu tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi;
(5) Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận.
Ngoài ra, Điều 9 Nghị định 05/2015/NĐ-CP còn bổ sung thêm trường hợp:
(6) Người lao động được bổ nhiệm hoặc được cử làm người đại diện phần vốn góp của Nhà nước.
So với pháp luật lao động trước đây, pháp luật hiện hành đã tiến bộ hơn rất nhiều khi bổ sung trường hợp (3) và (4). Đây đều là những trường hợp phát sinh từ thực tế, nếu không được tạm hoãn hợp đồng sẽ gây thiệt thòi, ảnh hưởng tới cuộc sống của người lao động.
Hết hạn tạm hoãn, làm thế nào để tiếp tục công việc?
Sau khi hết thời gian tạm hoãn hợp đồng, người lao động và người sử dụng phải làm một số việc nhất định để hợp đồng lao động được tiếp tục thực hiện theo Điều 10 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, theo đó:
– Đối với người lao động:
+ Phải có mặt tại nơi làm việc trong thời hạn 15 ngày;
+ Trường hợp không thể có mặt tại nơi làm việc đúng thời hạn thì phải thỏa thuận với người sử dụng lao động về thời điểm có mặt.
– Đối với người sử dụng lao động:
+ Phải nhận người lao động trở lại làm việc;
+ Bố trí công việc theo hợp đồng đã giao kết;
+ Trường hợp không bố trí được đúng công việc thì thỏa thuận công việc mới và sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
Đối với nhiều người lao động, khả năng tìm được công việc mới sau khi các sự kiện tạm hoãn hợp đồng qua đi là rất khó. Chính vì vậy, mỗi người lao động nên lưu tâm hơn để bảo vệ việc làm, thu nhập cho bản thân và gia đình mình.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.