Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Luật doanh nghiệp 2014 thừa nhận khá nhiều các loại hình doanh nghiệp khác nhau, tuy nhiên không phải bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào cũng có tư cách pháp nhân. Bài viết dưới đây sẽ nêu rõ những loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân theo quy định pháp luật. 

Trước hết để xác định đâu là loại hình doanh nghiệp được pháp luật thừa nhận là có tư cách pháp nhân, cần phải xác định những điều kiện để được coi là một pháp nhân như sau:

1. Điều kiện để doanh nghiệp có tư cách pháp nhân

Pháp nhân được hiểu là một tổ chức (một chủ thể pháp luật) có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội…theo quy định của pháp luật.

Cụ thể Điều 74 Bộ luật dân sự 2015, một tổ chức được pháp luật thừa nhận là pháp nhân khi đáp ứng đủ 4 điều kiện:

(1) Được thành lập hợp pháp;

(2) Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;

(3) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

(4) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Chỉ khi đáp ứng đủ 4 điều kiện này, tổ chức mới được xem là có tư cách pháp nhân. Theo đó, tư cách pháp nhân đối với từng loại hình doanh nghiệp được xác định như sau:

  • Đối với loại hình Công ty cổ phần

Theo khoản 2 Điều 110 Luật doanh nghiệp 2014, công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Công ty cổ phần được thành lập có tài sản độc lập đối với các cá nhân, tổ chức khác. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, hoàn toàn không “dính líu” đến tài sản riêng của cá nhân mình. Đồng thời, Công ty cổ phần cũng nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập thông qua người đại diện theo pháp luật của công ty.

  • Đối với loại hình Công ty TNHH 

Luật doanh nghiệp 2014 quy định công ty TNHH sẽ có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Công ty chỉ chịu trách nhiệm về các khoảng nợ nằm trong phạm vi số vốn góp vào công ty, chính vì thế có sự tách biệt rõ rệt giữa tài sản của công ty với tài sản của cá nhân, tổ chức khác và công ty sẽ tự chịu trách nhiệm bằng chính tài sản đó của mình.

  • Đối với loại hình Công ty hợp danh

Theo khoản 2 Điều 172 Luật doanh nghiệp 2014, công ty hợp danh được pháp luật thừa nhận là có tư cách pháp nhân khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Khi công ty hợp danh đang hoạt động bình thường, có khả năng tự chịu mọi trách nhiệm bằng tài sản của công ty thì nghĩa vụ của công ty hoàn toàn không liên quan đến tài sản của các thành viên hợp danh. Chỉ trong trường hợp tài sản của công ty không đủ để chịu trách nhiệm thì tài sản của các thành viên hợp danh mới được sử dụng đến. Do đó, công ty hợp danh vẫn có tài sản độc lập với thành viên hợp danh của công ty đó. 

  • Đối với loại hình Doanh nghiệp tư nhân

Theo khoản 1 Điều 183 Luật doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp chỉ do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Như vậy, dựa vào căn cứ như trên thì doanh nghiệp tư nhân không đủ điều kiện để có tư cách pháp nhân.

2. Những lợi ích khi doanh nghiệp có tư cách pháp nhân

– Khi có tư cách pháp nhân thì doanh nghiệp được pháp luật thừa nhận là một chủ thể pháp lý, được nhân danh mình tham gia các quan hệ một cách độc lập.

– Tư cách pháp nhân giúp phân định tài sản giữa doanh nghiệp và thành viên doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể bảo vệ tài sản khỏi những khoản nợ của cá nhân các thành viên. Một khi khối tài sản của doanh nghiệp được bảo vệ như vậy, doanh nghiệp mới có thể tự do sử dụng, có tài sản để đảm bảo cho những người cho vay của doanh nghiệp.

– Cũng nhờ việc phân tách tài sản của doanh nghiệp với tài sản của các thành viên, nó cho phép các chủ nợ của doanh nghiệp có quyền ưu tiên xiết nợ đối với tất cả các loại tài sản của doanh nghiệp. Tư cách pháp nhân góp phần phân biệt với nợ doanh nghiệp và nợ thành viên, giúp chủ nợ dễ dàng thực hiện quyền đòi nợ.

– Thành viên công ty sẽ được nhân danh công ty khi tiến hành các hoạt động nhân danh công ty, như: Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, thực hiện việc quản lý của công ty,… 

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!

Công ty Luật Hồng Bàng./.