Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Hỏi: Phân tích quyền bình đẳng của vợ chồng đối với tài sản chung hợp nhất.

Trả lời:

Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

Theo đó việc xác định tài sản chung của vợ chồng phải dựa vào nguồn gốc phát sinh của tài sản. Cụ thể, tài sản của vợ chồng bao gồm:

– Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ hôn nhân;

– Thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có thể là: tiền lương, tiền thưởng, tiền trợ cấp, tiền trúng xổ số hoặc tài sản mà vợ, chồng đươc xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật dân sự.

– Các tài sản mà vợ, chồng mua sắm được bằng thu nhập nói trên;

– Các tài sản mà vợ, chồng được tặng cho, cho chung hoặc thừa kế chung;

– Tài sản mà vợ chồng có trước khi kết hôn hoặc những tài sản mà vợ chồng được thừa kế riêng hoặc tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng nhưng vợ , chồng đã thỏa thuận nhập vào khối tài sản chung.

Xuất phát từ tính chất của quan hệ hôn nhân là cùng chung ý chí, cùng chung công sức trong việc tạo nên khối tài sản nhằm xây dựng gia đình, bảo đảm cho gia đình thực hiện tốt chức năng xã hội của nó như phát triển kinh tế, tạo điều kiện tốt cho nuôi dạy con. Vì vậy, pháp luật quy định tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng chỉ căn cứ vào nguồn gốc, thời điểm phát sinh. Tài sản chung của vợ chồng không nhất thiết phải do công sức của cả hai vợ chồng trực tiếp tạo ra, có thể chỉ do vợ hoặc chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân.

Quyền bình đẳng của vợ chồng đối với tài sản chung hợp nhất được thể hiện tại Khoản 1 Điều 29 Luật hôn nhân và gia đình 2014, theo đó:

“Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.”

Đối với tài sản chung của vợ chồng thì vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Quyền bình đẳng của vợ chồng đối với khối tài sản chung thể hiện trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản để đầu tư, kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thỏa thuận. Trong trường hợp vợ, chồng ủy quyền cho nhau thì người được ủy quyền có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung trong phạm vi được ủy quyền.

Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân trong thời kỳ hôn nhân được quy định tại Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình 2014:

“1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.”

Vợ chồng có thể thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án chia toàn bộ hoặc một phần tài sản chung. Nếu chia toàn bộ tài sản chung thì phần của mỗi người sau khi chia và hoa lợi lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thuộc sở hữu riêng của mỗi người. Sau khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì những thu nhập do lao động, sản xuất kinh doanh của mỗi bên là tài sản riêng của vợ, chồng.

Pháp luật chỉ cho phép chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân tồn tại trong trường hợp cần thiết vì lợi ích của gia đình. Nếu áp dụng việc chia tài sản khi hôn nhân đang tồn tại một cách rộng rãi dễ phá vỡ thể chế gia đình, ảnh hưởng không tốt đến tính cộng đồng trong quan hệ hôn nhân.

Để được tư vấn về các vấn đề thuộc lĩnh vực Hôn nhân và gia đình, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi.

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG

TRÂN TRỌNG!