Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trong tố tụng dân sự là một giai đoạn quan trọng của quá trình chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự. Công ty Luật Hồng Bàng sẽ cung cấp thông tin cho quý khách hàng những quy định của pháp luật liên quan đến giai đoạn này trong bài viết dưới đây!

Căn cứ pháp lý

– Bộ Luật tố tụng dân sự 2015

– Về nguyên tắc tiến hành hòa giải (Điều 205 BLTTDS năm 2015)

Mục đích của hòa giải là giúp các bên thỏa thuận được với nhau về nội dung tranh chấp. Đương sự trong VADS chính là các bên của tranh chấp mà Tòa án phải giải quyết nên họ biết rõ và có quyền tự định đoạt để giải quyết các mâu thuẫn đó. Tòa án phải tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của đương sự, không dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình; nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Việc tiến hành hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội là điểm mới của BLTTDS 2015. Quy định này nhằm đảm bảo tính tương thích với quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo Điều 117 BLDS 2015 và khắc phục được bất cập của BLTTDS 2011.

– Phạm vi hòa giải

Giống như BLTTDS năm 2011, BLTTDS năm 2015 không liệt kê những vụ án phải tiến hành hòa giải mà chỉ quy định những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được theo quy định tại Điều 206 và Điều 207 hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Việc quy định như vậy là hoàn toàn hợp lí bởi lẽ nếu Tòa án tiến hành hòa giải đối với những trường hợp quy định tại Điều 206 thì sẽ đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho các bên tiếp tục vi phạm pháp luật hay lợi dụng việc hòa giải đó để xâm phạm đến tài sản của Nhà nước. So với BLTTDS năm 2011, BLTTDS năm 2015 đã bổ sung thêm trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt. Việc bổ sung này là cần thiết, phù hợp với thực tế, bởi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người không khởi kiện, không bị kiện nhưng họ có quyền hoặc liên quan đến vụ án dân sự. Bên cạnh đó, BLTTDS năm 2015 còn bổ sung thêm trường hợp là một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải.

– Thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (Điều 208 BLTTDS năm 2015)

Trước khi mở phiên họp, Tòa án phải thông báo về phiên họp cho đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung của phiên họp. Trường hợp yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia phiên họp cũng cần thông báo về phiên họp cho họ. Đây là một thủ tục bắt buộc nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc mở phiên họp, đảm bảo quyền tham gia phiên họp của đương sự, tạo điều kiện cho các đương sự sắp xếp công việc, chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu, ý kiến, tài liệu…

– Thành phần phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (Điều 209 BLTTDS năm 2015)

So với BLTTDS năm 2011, BLTTDS năm 2015 đã bổ sung thành phần tham gia hòa giải bao gồm cả người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nên Tòa án phải triệu tập họ tham gia việc hòa giải. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể nắm bắt, tiếp cận những tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp một cách có hiệu quả nhất cho đương sự mà mình tham gia bảo vệ. Ngoài ra, sự tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự còn góp phần giúp cho việc giải quyết vụ án được trôi chảy và thuận lợi hơn.

– Trình tự phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải và biên bản của phiên họp (Điều 210 và 211 BLTTDS năm 2015)

Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ sẽ được tiến hành trước khi tiến hành hòa giải. Điều 210 đã quy định về trình tự của phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải một cách khá chi tiết và đầy đủ. Biên bản của phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và biên bản hòa giải phải được Thư ký Tòa án lập theo quy định tại Điều 211 BLTTDS năm 2015. Mục đích tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ và hòa giải là nhằm xác định và chốt lại yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết, tài liệu, chứng cứ đã nộp cho Tòa án và việc gửi các tài liệu, chứng cứ cho các đương sự khác; yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ, tài liệu, yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.

Trên đây là toàn bộ bài viết của chúng tôi về Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trong tố tụng dân sự. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như tiếp cận dịch vụ của chúng tôi, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các hình thức sau:

Liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75;
Gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật 1900.6575;
Gửi thư yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!