Hỏi: Phong tục tập quán có phải là nguồn của luật HNGĐ?
Trả lời:
Có. Vì:
- Cơ sở pháp lý
– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
– Nghị định 126/2014/NĐ-CP
- Nội dung
Nguồn của pháp luật là tất cả các căn cứ được các chủ thể có thẩm quyền sử dụng làm cơ sở để xây dựng, ban hành, giải thích pháp luật cũng như để áp dụng vào việc giải quyết các vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tế.
Trong pháp luật về Hôn nhân và gia đình , tập quán về hôn nhân và gia đình được hiểu là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng.
Điều 2 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định về nguyên tắc áp dụng tập quán như sau:
“1. Tập quán được áp dụng phải là quy tắc xử sự phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình.
2. Việc áp dụng tập quán phải tuân theo các điều kiện được quy định tại Điều 7 của Luật HN&GĐ.
3. Tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về tập quán được áp dụng”.
Việc áp dụng tập quán trong hôn nhân gia đình phải đảm bảo các nguyên tắc trên. Việc nghiên cứu các tập quán về hôn nhân và gia đình cho thấy: các tập quán này là rất đa dạng, phong phú và khác nhau ở các vùng miền, các dân tộc. Do đó việc áp dụng các tập quán đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ, áp dụng thận trọng, phù hợp với đặc điểm vùng miền, dân tộc. Các tập quán còn tồn tại bao gồm cả những tập quán lạc hậu, có ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống hôn nhân và gia đình, đến quan hệ gia đình, không đảm bảo được quyền, lợi ích chính đáng của các bên đương sự, đồng thời còn gây ra những tác hại lâu dài đối với xã hội. Vì vậy, việc vận động xóa bỏ các tập quán lạc hậu đó là cần thiết cấp bách.
Như vậy, có thể thấy rằng phong tục tập quán là nguồn hình thức của pháp luật trong những trường hợp nó được áp dụng vào việc giải quyết các vụ việc xảy ra trong thực tế. Nói chung, phong tục tập quán chỉ được coi là nguồn thứ yếu của pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật Hôn nhân gia đình nói riêng, bởi các quy định của nó chủ yếu tồn tại dưới dạng bất thành văn nên thường chỉ được hiểu một cách ước lệ, thiếu rõ ràng, cụ thể, khó bảo đảm cho việc hiểu và áp dụng thống nhất trong phạm vi rộng. Song, ưu điểm của phong tục tập quán là hình thành từ thực tiễn cuộc sống, từ những thói quen ứng xử hàng ngày nên rất gần gũi với nhân dân và thường được nhân dân tự giác thực hiện. Vì vậy, phong tục tập quán có thể góp phần bổ sung cho chỗ thiếu của pháp luật, khắc phục những lỗ hổng của pháp luật nên cần được tiếp tục sử dụng cùng với các VBQPPL. Điều cần thiết hiện nay là phải có hình thức xác định cụ thể những tập quán được Nhà nước thừa nhận để bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất và bảo đảm công bằng xã hội.
Để được tư vấn về các vấn đề thuộc lĩnh vực Hôn nhân và gia đình, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi:
TRÂN TRỌNG!