Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Căn cứ pháp lý

  • Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi năm 2020);
  • Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

Nhà thầu nước ngoài là gì?

Sự phát triển của nền kinh tế cũng như các dự án bất động sản và các quy định mới của Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và Luật Đầu tư đã tạo điều kiện cho các nhà thầu nước ngoài thực hiện đấu thầu và hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu nhà thầu nước ngoài là như thế nào?

Căn cứ khoản 37 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013 quy định khái niệm nhà thầu nước ngoài như sau:

“Nhà thầu nước ngoài là tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài hoặc cá nhân mang quốc tịch nước ngoài tham dự thầu tại Việt Nam.”

Theo đó, anh/chị là cá nhân mang quốc tịch nước ngoài tham gia dự thầu tại Việt Nam nên được xác định là nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu tại Việt Nam.

Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu nước ngoài như thế nào?

Khác với nhà thầu trong nước, nhà thầu nước phải phải được cấp Giấy phép hoạt động xây dựng theo từng hợp đồng sau khi trúng thầu. Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng và thông tư 14/2016/TT-BXD chính thức có hiệu lực từ ngày 15/08/2016 hướng dẫn về cấp giấy phép hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam, vậy quy định chi tiết về quyền và nghĩa vụ của nhà thầu nước ngoài ra sao?

Theo Điều 107 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà thầu nước ngoài như sau:

(1) Nhà thầu nước ngoài có các quyền sau:

– Yêu cầu các cơ quan có chức năng hướng dẫn việc lập hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động xây dựng và các vấn đề khác liên quan đến hoạt động của nhà thầu theo quy định của Nghị định này;

– Khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc theo quy định của Nghị định này;

– Được bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong kinh doanh tại Việt Nam theo giấy phép hoạt động xây dựng được cấp.

(2) Nhà thầu nước ngoài có các nghĩa vụ sau:

– Lập Văn phòng điều hành tại nơi có dự án sau khi được cấp giấy phép hoạt động xây dựng; đăng ký địa chỉ, số điện thoại, số fax, e-mail, dấu, tài khoản, mã số thuế của Văn phòng điều hành. Đối với các hợp đồng thực hiện lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, nhà thầu nước ngoài có thể lập Văn phòng điều hành tại nơi đăng ký trụ sở của chủ đầu tư hoặc không lập Văn phòng điều hành tại Việt Nam. Đối với hợp đồng thực hiện thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng công trình đi qua nhiều tỉnh, nhà thầu nước ngoài có thể lập Văn phòng điều hành tại một địa phương có công trình đi qua để thực hiện công việc. Văn phòng điều hành chỉ tồn tại trong thời gian thực hiện hợp đồng và giải thể khi hết hiệu lực của hợp đồng;

– Đăng ký, hủy mẫu con dấu, nộp lại con dấu khi kết thúc hợp đồng theo quy định của pháp luật. Nhà thầu nước ngoài chỉ sử dụng con dấu này trong công việc phục vụ thực hiện hợp đồng tại Việt Nam theo quy định tại giấy phép hoạt động xây dựng;

– Đăng ký và nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam, thực hiện chế độ kế toán, mở tài khoản, thanh toán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để phục vụ hoạt động kinh doanh theo hợp đồng;

– Thực hiện việc tuyển lao động, sử dụng lao động Việt Nam và lao động là người nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam về lao động; chỉ được phép đăng ký đưa vào Việt Nam những chuyên gia quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật và người có tay nghề cao mà Việt Nam không đủ khả năng đáp ứng;

– Thực hiện các thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu vật tư, máy móc, thiết bị liên quan đến hợp đồng nhận thầu tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;

– Thực hiện hợp đồng liên danh đã ký kết với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam đã được xác định trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng;

– Mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với công việc của nhà thầu gồm: Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng; bảo hiểm tài sản hàng hóa đối với nhà thầu mua sắm; các loại bảo hiểm đối với nhà thầu thi công xây dựng và các chế độ bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam;

– Đăng kiểm chất lượng vật tư, thiết bị nhập khẩu cung cấp theo hợp đồng nhận thầu;

– Đăng kiểm an toàn thiết bị thi công xây dựng và phương tiện giao thông liên quan đến hoạt động kinh doanh của nhà thầu nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;

– Tuân thủ các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, về quản lý chất lượng công trình xây dựng, an toàn lao động và bảo vệ môi trường cũng như các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan;

– Thực hiện các chế độ báo cáo theo quy định trong giấy phép hoạt động xây dựng;

– Khi hoàn thành công trình, nhà thầu nước ngoài phải lập hồ sơ hoàn thành công trình; chịu trách nhiệm bảo hành; quyết toán vật tư, thiết bị nhập khẩu; xử lý vật tư, thiết bị còn dư trong hợp đồng thi công xây dựng công trình theo quy định về xuất nhập khẩu; tái xuất các vật tư, thiết bị thi công đã đăng ký theo chế độ tạm nhập – tái xuất; thanh lý hợp đồng; đồng thời thông báo tới các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về việc kết thúc hợp đồng, chấm dứt sự hoạt động của văn phòng điều hành công trình.

Quy định về con dấu của nhà thầu nước ngoài như thế nào?

Trong quá trình hoạt động của tổ chức, con dấu là một công cụ quan trọng để tổ chức sử dụng ghi nhận tính pháp lý của một văn bản, giao dịch của tổ chức, đảm bảo văn bản được ban hành có độ chính xác, hợp pháp, tránh tình trạng giả mạo. Quy định pháp luật về con dấu đối với nhà thầu nước ngoài cụ thể như sau:

Đối với nhà thầu nước ngoài, hồ sơ đề nghị đăng kí mẫu dấu bao gồm:

– Quyết định bổ nhiệm trưởng văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài

– Giấy ủy quyền cho trưởng văn phòng điều hành đăng ký dấu.

– Hộ chiếu của trưởng văn phòng điều hành

– Giấy phép hoạt động của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam. (Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài )

– Cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký mẫu dấu cho nhà thầu nước ngoài

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Bộ Công an là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ,  cấp dấu, và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu cho nhà thầu nước ngoài.

Trình tự đăng ký mẫu dấu cho nhà thầu nước ngoài

Bước 1: Nhà thầu nước ngoài có nhu cầu đăng ký mẫu con dấu nộp 1 bộ hồ sơ tại cơ quan Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an vào giờ hành chính các ngày làm việc trong tuần.

Bước 2: Cán bộ tiếp nhận kiểm tra tính hợp lệ và thành phần của hồ sơ. Nếu hồ sơ hợp lệ và đủ thành phần thì tiếp nhận hồ sơ giải quyết và ghi Giấy biên nhận hồ sơ giao trực tiếp cho người được cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước cử đến liên hệ nộp hồ sơ; nếu hồ sơ không hợp lệ hoặc thiếu thành phần thì không tiếp nhận hồ sơ và ghi Phiếu hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ giao trực tiếp cho người được cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước cử đến liên hệ nộp hồ sơ.

Bước 3: Căn cứ theo ngày hẹn trên Giấy biên nhận hồ sơ, cá nhân được cử đến nơi nộp hồ sơ để nhận kết quả con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu.

Theo quy định tại Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Nhà thầu nước ngoài có nghĩa vụ Đăng ký, hủy mẫu con dấu, nộp lại con dấu khi kết thúc hợp đồng theo quy định của pháp luật. Nhà thầu nước ngoài chỉ sử dụng con dấu này trong công việc phục vụ thực hiện hợp đồng tại Việt Nam theo quy định tại giấy phép hoạt động xây dựng.

Quý Khách hàng cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn về cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nguyễn Đức Trọng qua SĐT: 0912.35.65.75 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua emaillienheluathongbang@gmail.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!