Căn cứ pháp lý:
– Luật Phá sản 2014
– Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐTP
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Thẩm quyền giải quyết thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân được quy định như sau:
Thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
Đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, phạm vi giải quyết các vụ việc về phá sản trong Luật Phá sản 2014 so với Luật năm 2004 đã có sự mở rộng hơn:
Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp sau:
- Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;
Trong đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐTP thì tài sản ở nước ngoài trong trường hợp trên đây được xác định là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự ở ngoài lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào thì Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
- Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
- Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.
Thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện
Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và không thuộc trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
So với Luật Phá sản năm 2004, thẩm quyền giải quyết thủ tục phá sản của cả Tòa án nhân dân cấp huyện đã có sự mở rộng về phạm vi. Trước đây, Luật Phá sản năm 2004 xác định Tòa án nhân dân cấp huyện chỉ có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với Hợp tác xã đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện đó, thì Luật Phá sản năm 2014 còn cho phép Tòa án nhân dân cấp huyện thực hiện thủ tục phá sản đối với Doanh nghiệp có trụ sở chính tại quận, huyện. thị xã, thành phố tỉnh đó và không thuộc các trường hợp do Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.