Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Công ty Luật Hồng Bàng xin gửi tới quý khách hàng bài viết về Thủ tục cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng dưới 2m3/giây; để phát điện với công suất lắp máy dưới 2.000kw; cho các mục đích khác với lưu lượng dưới 50.000m3/ngày đêm. Để được giải đáp những vướng mắc về các vấn đề pháp lý cũng như tiết kiệm thời gian và công sức của bản thân, xin quý khách liên hệ với chúng tôi qua tổng đài 1900.6575

Nội dung cụ thể của thủ tục hành chính

a) Trình tự thực hiện:

– Bước 1: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ

+ Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ tại Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội (Số 18, phố Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) – nộp phí thẩm định, lấy phiếu nhận và hẹn trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính;

+ Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định;

Trường hợp hồ sơ sau khi đã bổ sung mà vẫn không đáp ứng yêu cầu theo quy định thì Sở Tài nguyên và Môi trường trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép.

– Bước 2: Thẩm định đề án, báo cáo khai thác, sử dụng nước mặt (sau đây gọi là đề án, báo cáo)

+ Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm định đề án, báo cáo; nếu cần thiết thì kiểm tra thực tế hiện trường, lập hội đồng thẩm định đề án, báo cáo. Trường hợp đủ điều kiện cấp phép, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND thành phố cấp giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện để cấp phép thì trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép và thông báo lý do không cấp phép;

+ Trường hợp phải bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện đề án, báo cáo thì Sở Tài nguyên và Môi trường gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện đề án, báo cáo. Thời gian bổ sung, hoàn thiện hoặc lập lại đề án, báo cáo không tính vào thời gian thẩm định đề án, báo cáo. Thời gian thẩm định sau khi đề án, báo cáo được bổ sung hoàn chỉnh là hai mươi (20) ngày làm việc;

+ Trường hợp phải lập lại đề án, báo cáo, Sở Tài nguyên và Môi trường gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung đề án, báo cáo chưa đạt yêu cầu, phải làm lại và trả lại hồ sơ đề nghị cấp phép.

– Bước 3: Trả kết quả giải quyết hồ sơ cấp phép

Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy phép của UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để nộp lệ phí cấp giấy phép và nhận giấy phép.

b) Cách thức thực hiện: Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC của Sở Tài nguyên và Môi trường – 18 Huỳnh Thúc Kháng, Quận Đống Đa, Hà Nội.

c) Thành phần, số lượng hồ sơ:

1) Thành phần hồ sơ:

– Đơn đề nghị cấp giấy phép (mẫu 05);

– Đề án khai thác, sử dụng nước mặt đối với trường hợp chưa có công trình khai thác (mẫu 29); Báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước mặt kèm theo quy trình vận hành nếu thuộc trường hợp quy định phải có quy trình vận hành đối với trường hợp đã có công trình khai thác (mẫu 30) (Đề án, Báo cáo do tổ chức, cá nhân có đủ năng lực theo quy định tại Thông tư số 56/2014/TT-BTNMT ngày 24/9/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường lập – Có Bản sao hồ sơ năng lực của tổ chức, cá nhân lập Đề án, Báo cáo kèm theo);

– Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước không quá ba (03) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ;

– Sơ đồ vị trí công trình khai thác nước;

– Văn bản góp ý, tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến (đối với trường hợp phải lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân).

Trường hợp chưa có công trình khai thác nước mặt, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải nộp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

2) Số lượng bộ hồ sơ: 01 bộ (trong trường hợp cần lập hội đồng thẩm định, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung thêm 01 bộ hồ sơ).

d) Thời hạn giải quyết:

Tổng thời gian: ba mươi (30) ngày làm việc không kể thời gian tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, trong đó:

– Tại Sở Tài nguyên và Môi trường: không quá hai mươi ba (23) ngày làm việc;

– Tại UBND thành phố: không quá bảy (07) ngày làm việc.

e) Đối tượng thực hiện TTHC: Tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc khai thác, sử dụng nước mặt

f) Cơ quan thực hiện TTHC:

– Cơ quan có thẩm quyền quyết định: UBND thành phố Hà Nội.

– Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được uỷ quyền hoặc phân cấp thực hiện (nếu có):

– Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

– Cơ quan phối hợp (nếu có):

g) Kết quả thực hiện TTHC: Giấy phép

h) Lệ phí, phí:

– Lệ phí cấp giấy phép: 100.000 đồng/1 giấy phép.

– Phí thẩm định:

+ Đề án, báo cáo khai thác, sử dụng nước mặt cho nuôi trồng thủy sản với lưu lượng dưới 2m3/giây: Không;

+ Đề án, báo cáo khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp với lưu lượng từ 1m3 đến dưới 2m3/giây; hoặc để phát điện với công suất từ 1000KW đến dưới 2000KW; hoặc cho các mục đích khác với lưu lượng từ 20.000m3 đến dưới 50.000m3/ngày đêm: 4.200.000 đồng/01 đề án, báo cáo.

+ Đề án, báo cáo khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp với lưu lượng từ 0,5m3 đến dưới 1m3/giây; hoặc để phát điện với công suất từ 200KW đến dưới 1000KW; hoặc cho các mục đích khác với lưu lượng từ 3000m3 đến dưới 20.000m3/ngày đêm: 2.200.000 đồng/01 đề án, báo cáo;

+ Đề án, báo cáo khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp với lưu lượng từ 0,1m3 đến dưới 0,5m3/giây; hoặc để phát điện với công suất từ 50KW đến dưới 200KW; hoặc cho các mục đích khác với lưu lượng từ 500m3 đến dưới 3.000m3/ngày đêm: 900.000 đồng/01 đề án, báo cáo;

+ Đề án, báo cáo khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp với lưu lượng dưới 0,1m3/giây; hoặc để phát điện với công suất dưới 50KW; hoặc cho các mục đích khác với lưu lượng dưới 500m3/ngày đêm: 300.000 đồng/01 đề án, báo cáo.

i) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:

– Đơn đề nghị cấp giấy phép (mẫu 05);

– Đề án khai thác, sử dụng nước mặt đối với trường hợp chưa có công trình khai thác (mẫu 29); Báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước mặt kèm theo quy trình vận hành nếu thuộc trường hợp quy định phải có quy trình vận hành đối với trường hợp đã có công trình khai thác (mẫu 30). (Mẫu 29 và Mẫu 30: ban hành kèm theo Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Mẫu 05: Cụ thể hóa tên cơ quan cấp phép tại Mẫu 05 của Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014).

k) Yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC:

– Đã thực hiện việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân (đối với trường hợp lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân).

– Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước nếu chưa có quy hoạch tài nguyên nước. Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực.

Phương án thiết kế công trình hoặc công trình khai thác tài nguyên nước phải phù hợp với quy mô, đối tượng khai thác và đáp ứng yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước.

– Đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước mặt có xây dựng hồ, đập trên sông, suối ngoài điều kiện quy định như trên còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Có các hạng mục công trình để bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu, sử dụng nguồn nước tổng hợp, đa mục tiêu, sử dụng dung tích chết của hồ chứa trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, bảo đảm sự di cư của các loài cá, sự đi lại của phương tiện vận tải thủy đối với các đoạn sông, suối có hoạt động vận tải thủy.

+ Có phương án bố trí thiết bị, nhân lực để vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước; phương án quan trắc khí tượng, thủy văn, tổ chức dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp chưa có công trình;

+ Có quy trình vận hành hồ chứa; có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thực hiện việc vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, quan trắc khí tượng, thủy văn và dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp đã có công trình.

l) Căn cứ pháp lý của TTHC:

– Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội;

– Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ;

– Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

– Quyết định số 39/2014/ QĐ-UBND ngày 20/8/2014 của UBND thành phố Hà Nội;

– Quyết định số 59/2014/ QĐ-UBND ngày 20/8/2014 của UBND thành phố Hà Nội;

– Thông tư số 56/2014/TT-BTNMT ngày 24/9/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Liên hệ luật sư Nguyễn Nhật Nam để biết thêm chi tiết: 0912.356.575