Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Công ty Luật Hồng Bàng xin gửi tới quý khách hàng bài viết về Vấn đề đại diện giữa vợ và chồng. Để được giải đáp những vướng mắc về các vấn đề pháp lý cũng như tiết kiệm thời gian và công sức của bản thân, xin quý khách liên hệ với chúng tôi qua tổng đài 1900 – 6575.

Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự (Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2015). Luật HN&GĐ năm 2000 cũng quy định vấn đề đại diện giữa vợ chồng (Điều 24). Tuy nhiên, quá trình thi hành và áp dụng quy định này còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập. Nhằm khắc phục những vướng mắc bất cập đó, Luật HN&GĐ năm 2014 từ Điều 24 đến Điều 27 đã quy định cụ thể vấn đề đại diện giữa vợ và chồng, trong đó quy định cả về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng. Dựa trên quy định của BLDS, Luật HN&GĐ năm 2014 đã quy định hai hình thức đại diện giữa vợ và chồng: đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền.

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ Luật dân sự 2015

– Luật Hôn nhân và gia đình 2014

2. Nội dung

2.1. Đại diện theo pháp luật

Theo Điều 24 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định:

“1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.

3. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.

Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn”.

Như vậy, điều kiện để vợ, chồng đại diện cho nhau được xác định như sau:

+ Người vợ hoặc người chồng là người được đại diện khi bị mất năng lực hành vi dân sự; người chồng hoặc người vợ là người đại diện có đủ điều kiện làm người giám hộ.

+ Người vợ hoặc người chồng là người được đại diện bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người chồng hoặc người vợ còn lại là người đại diện khi được Toà án chỉ định là người đại diện theo pháp luật.

2.2. Đại diện theo ủy quyền

Khoản 2 Điều 24 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định:Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng”.

Như vậy, đại diện theo uỷ quyền giữa vợ và chồng chỉ đặt ra khi vợ chồng tham gia vào những giao dịch bắt buộc phải có sự đồng ý của vợ chồng nhưng một bên không thể trực tiếp tham gia giao dịch thì có thể uỷ quyền cho người còn lại thực hiện giao dịch đó.

Với tư cách là người đại diện theo ủy quyền, người vợ hoặc người chồng đó có quyền thực hiện các giao dịch vì lợi ích của vợ chồng hoặc vì lợi ích của người uỷ quyền trong phạm vi được uỷ quyền.

Luật HN&GĐ năm 2014 đã quy định một số trường hợp cụ thể về đại diện giữa vợ và chồng:

Theo Điều 25 Luật định về đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh, theo đó, trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác. Trong trường hợp vợ, chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh thì áp dụng quy định tại Điều 36 của Luật HN&GĐ. Theo Điều 36 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định, trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó, thỏa thuận này phải được lập thành văn bản.

Luật cũng quy định vấn đề đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 của Luật HN&GĐ.

Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật HN&GĐ thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi.

Quy định này đã phù hợp với thực tiễn của đời sống xã hội trong lĩnh vực HN&GĐ; nhiều năm trước đây và hiện nay khi đăng ký quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, có nhiều trường hợp chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đó.

Trên cơ sở kế thừa Điều 25 Luật HN&GĐ năm 2000, Luật HN&GĐ năm 2014 tại Điều 27 đã quy định về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng. Theo đó, vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình (các nhu cầu về ăn, ở, mặc, học hành, khám, chữa bệnh –  khoản 1 Điều 30).

Vợ, chồng cũng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những giao dịch khác phù hợp với những quy định về đại diện theo quy định tại các Điều 24, 25 và 26 của Luật HN&GĐ năm 2014. Ngoài ra, Luật đã quy định cụ thể vấn đề vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng (Điều 37):

– Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

– Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

– Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

– Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Để được tư vấn về lĩnh vực hôn nhân và gia đình, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG

TRÂN TRỌNG!