Công ty Luật Hồng Bàng xin gửi tới quý khách hàng bài viết về Vấn đề sở hữu đất đai có ảnh hưởng gì đến việc phát triển kinh tế thị trường. Để được giải đáp những vướng mắc về các vấn đề pháp lý cũng như tiết kiệm thời gian và công sức của bản thân, xin quý khách liên hệ với chúng tôi qua tổng đài 1900.6575.
Trả lời
Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, không thể thay thế. Vấn đề sở hữu đối với đất đai có ý nghĩa quyết định trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Tại Điều 4 Luật Đất đai 2013 quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật này”.
Việc thể chế hóa chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong Hiếp pháp và Luật Đất đai đã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao trong nhân dân. Tuy nhiên, một vài ý kiến cho rằng sở hữu toàn dân về đất đai là một khái niệm “mơ hồ”, “tù mù”, người dân không có thực quyền gì đối với đất đai…Trước hết, cần khẳng định rằng, sở hữu toàn dân về đất đai không phải là khái niệm “mơ hồ”, “tù mù”, người dân không có thực quyền gì đối với đất đai. Bởi vì, sở hữu toàn dân về đất đai không đồng nhất với sở hữu nhà nước về đất đai. Sở hữu toàn dân về đất đai phải được hiểu là đất đai không thuộc sở hữu của riêng ai, toàn thể nhân dân là chủ sở hữu đối với đất đai, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý. Việc quy định Nhà nước ở nước ta là đại diện chủ sở hữu đất đai và thống nhất quản lý xuất phát từ bản chất của Nhà nước là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân do dân và vì dân, mọi tài sản, tư liệu sản xuất do Nhà nước đại diện cho dân là chủ sở hữu đều được sử dụng vào mục đích phục vụ lợi ích chung của toàn thể nhân dân. Đồng thời, thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai không làm hạn chế đến quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Vì Luật Đất đai (Điều 166, 167) quyđịnh người sử dụng đất có các quyền chung và các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất.
Việc thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở nước ta hiện nay còn tránh được những hậu quả do chế độ sở hữu tư nhân đất đai gây ra. Nghiên cứu sản xuất nông nghiệp, trực tiếp là địa tô trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, Các Mác và sau đó là V.I.Lênin đã chỉ ra tính chất vô lý của chế độ sở hữu tư nhân về ruộng đất, nguồn gốc đẻ ra địa tô, làm cho giá cả nông phẩm tăng, kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, V.I.Lênin đã chủ trương phải quốc hữu hoá đất đai, xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân về đất đai, thay vào đó là chế độ công hữu về đất đai.
Đối với nước ta, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, chế độ sở hữu phong kiến về đất đai mà hình thức sở hữu đặc trưng là sở hữu tư nhân về đất đai đã kìm hãm sự phát triển nông nghiệp và dẫn đến tình cảnh đại đa số nông dân không có ruộng đất, phải thuê lại của địa chủ, phong kiến nên bị bóc lột địa tô rất nặng nề. Do vậy, việc xóa bỏ chế độ sở hữu phong kiến về đất đai là một trong những mục tiêu của cách mạng nước ta do nhân dân ta tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ở nước ta hiện nay, thực hiện chế độ sở hữu tư nhân về đất đai, một mặt sẽ là phủ nhận thành quả cách mạng của nhân dân ta giành được trải qua quá trình đấu tranh vô cùng gian khổ với bao sự hy sinh, mất mát của các thế hệ chiến sĩ cách mạng Việt Nam; mặt khác, sẽ tạo ra tiền đề, cơ hội dẫn đến sự xuất hiện tầng lớp địa chủ mới – giai cấp từng gây bao đau khổ cho nông dân nước ta trước đây. Chỉ có thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, chúng ta mới xóa bỏ tình trạng một nhóm người dùng độc quyền sở hữu đất đai để bóc lột người sử dụng đất.
Mặc dù hiện nay, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự tồn tại nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất, nhiều thành phần kinh tế, song cũng không thể thực hiện đa hình thức sở hữu về đất đai. Bởi vì đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt và có hạn; là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân, là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước, không giống như các tư liệu sản xuất, tài sản thông thường khác. Do đó, đất đai phải thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật thì việc khai thác, sử dụng đất đai mới bảo đảm hiệu quả cao, nhằm phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước.
Trên cơ sở làm rõ bản chất và hình thức thể hiện cụ thể về quan niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, nhà nước thống nhất quản lý về đất đai” để quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ quyền lợi của Nhà nước (với tư cách là đại diện chủ sở hữu) đối với từng loại đất; quy định rõ vai trò, quyền hạn quản lý của Nhà nước đối với mọi quá trình vận động của quan hệ đất đai đối với mọi loại đất; quy định rõ quyền hạn, quyền, trách nhiệm, lợi ích của mọi chủ thể sử dụng đất đối với các quyền sử dụng đất vận động trong thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, sao cho có hiệu quả cao nhất cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Phương án này về mặt lý luận hình thức có thể thấy dường như có mâu thuẫn khi nói về sở hữu toàn dân, nhưng lại trao các quyền sử dụng khá đầy đủ cho các chủ thể sử dụng. Nhưng về mặt thực tiễn, xét bản chất của quá trình vận động quan hệ sở hữu đất đai với tổng hợp cả về các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, mang nhiều tính khả thi và phù hợp đối với điều kiện cụ thể ở nước ta.
Trân trọng !