Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Hỏi: Xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng thì phải có sự đồng ý của cả 2 bên vợ chồng.

Trả lời:

Khẳng định Sai, vì:  

Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung:

“1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.”

Và được hướng dẫn chi tiết tại Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP theo đó:

“1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình. 

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.”

Theo đó, trong trường hợp vợ chồng lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận thì các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng. Trường hợp áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo luật định hoặc trong thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng không quy định nội dung này (quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung) thì việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận; Trong các trường hợp sau, việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng: (i) Bất động sản; (ii) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; (iii) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Như vậy, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 xác định việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung vợ chồng phải do vợ chồng thỏa thuận. Vợ chồng có thể cùng xác lập giao dịch với bên thứ ba liên quan đến tài sản chung vợ chồng; hoặc đại diện cho nhau để xác lập thực hiện giao dịch với bên thứ ba theo quy định về đại diện tại Luật hôn nhân và gia đình và Bộ luật dân sự; hoặc cùng thỏa thuận cho một người được toàn quyền định đoạt đối với khối tài sản chung.

Tuy nhiên, trong các trường hợp sau, một bên vợ hoặc chồng được xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung vợ chồng mà không cần có thỏa thuận chung vợ chồng:

(i) Khi áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo luật định, trong trường hợp vợ chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung (không bao gồm tài sản là bất động sản, động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình) để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia (khoản 1 Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP). Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở,  khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình (Khoản 20 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014). Quy định này cũng sẽ được áp dụng cho chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận nếu tại thỏa thuận của vợ chồng chưa thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về vấn đề này (theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).

(ii) Trong trường hợp vợ chồng kinh doanh chung thì vợ hoặc chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh được xác định là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó (trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác). Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó (thỏa thuận vợ chồng phải lập thành văn bản) (Điều 25, 36 Luật hôn nhân và gia đình 2014). 

(iii) Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng:

Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó (Khoản 1 Điều 32 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).

Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình, vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình (Khoản 2 Điều 32 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG

TRÂN TRỌNG!