Hợp pháp hóa lãnh sự là công việc như thế nào? Tại sao chúng ta cần phải hợp pháp hóa lãnh sự? Trình tự thủ tục của công việc này ra sao? Nếu bạn đang đặt ra các câu hỏi tương tự như các câu hỏi trên thì bài viết này chắc chắn sẽ giúp ích cho bạn. Dưới đây, công ty Luật Hồng Bàng sẽ đưa ra các thông tin chi tiết về việc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật hiện hành.
Căn cứ pháp lý
- Nghị định số 111/2011/NĐ-CP của Chính phủ
- Thông tư số 01/2012/TT-BNG của Bộ Ngoại giao
- Thông tư số 157/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính
Khái niệm hợp pháp hóa lãnh sự
Theo Nghị định số 111/2011/NĐ-CP thì hợp pháp hóa lãnh sự được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện việc chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để các giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng hợp pháp tại Việt Nam.
Nội dung của việc hợp pháp hóa lãnh sự
Cơ quan có thẩm quyền chỉ thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự đối với con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ chứ không bao hàm cả việc chứng nhận nội dung và hình thức của các giấy tờ và tài liệu.
Cơ quan có thẩm quyền thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự tại Việt Nam
Căn cứ nội dung của Thông tư số 01/2012/TT-BNG thì cơ quan của Bộ Ngoại giao được giao thẩm quyền thực hiện việc hợp pháp hóa lãnh sự là Cục Lãnh sự và Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh.
Dựa trên nhu cầu và điều kiện thực tế về cán bộ, cơ sở vật chất của từng địa phương mà Bộ trường Bộ Ngoại giao thực hiện ủy quyền cho Sở/Phòng/Bộ phận Ngoại vụ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (được gọi chung là cơ quan ngoại vụ địa phương) thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị hợp pháp hóa lãnh sự và trả kết quả. Để theo dõi danh sách được cập nhật thường xuyên của các cơ quan này, bạn đọc có thể truy cập trang web http://lanhsuvietnam.gov.vn (cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự của Nhà nước)
* Lưu ý: Cơ quan ngoại vụ địa phương được ủy quyền thì không được phép ủy quyền lại cho các cơ quan khác thực hiện việc hợp pháp hóa lãnh sự. Cán bộ thuộc cơ quan ngoại vụ địa phương phải là người đã được Bộ ngoại giao tập huấn về mặt nghĩa vụ mới được ủy quyền thực hiện việc hợp pháp hóa lãnh sự.
Các giấy tờ, tài liệu không phải hợp pháp hóa lãnh sự
- Những giấy tờ, tài liệu mà được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam và các nước liên quan đều đang là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
- Những giấy tờ, tài liệu được chuyển giao trực tiếp hoặc thông qua đường ngoại giao giữa các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
- Những giấy tờ, tài liệu được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định cụ thể của pháp luật Việt Nam.
- Những giấy tờ, tài liệu mà cơ quan tiếp nhận của Việt Nam hoặc của nước ngoài không yêu cầu phải thực hiện chứng nhận lãnh sự phù hợp với quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam hoặc của nước ngoài.
Các giấy tờ, tài liệu không được phép hợp pháp hóa lãnh sự
- Những giấy tờ, tài liệu đã bị sửa chữa, tẩy xóa nhưng không được đính chính theo quy định cụ thể của pháp luật.
- Những giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị hợp pháp hóa lãnh sự có các chi tiết mâu thuẫn với nhau.
- Những giấy tờ, tài liệu giả mạo hoặc được thực hiện cấp, chứng nhận sai quy định của pháp luật về thẩm quyền.
- Những giấy tờ, tài liệu có chữ ký, con dấu không phải là chữ ký gốc, con dấu gốc.
- Những giấy tờ, tài liệu chứa đựng các nội dung xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước Việt Nam.
Chi phí phải trả khi thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự
Theo quy định tại Thông tư số 157/2016/TT-BTC thì người đề nghị hợp pháp hóa lãnh sự có nghĩa vụ phải nộp lệ phí là 30.000 đồng/lần. Nếu người này có yêu cầu cấp bản sản giấy tờ, tài liệu thì mức thu phí là 5.000 đồng/lần.
* Lưu ý: những trường hợp sau không phải nộp phí khi hợp pháp hóa lãnh sự:
– Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia hoặc có thỏa thuận quy định việc hợp pháp hóa lãnh sự không phải nộp phí.
– Thực hiện nguyên tắc có đi có lại trên cơ sở quan hệ ngoại giao đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Trình tự thủ tục thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự
Trình tự, thủ tục thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự tại Bộ Ngoại giao
Người đề nghị hợp pháp hóa lãnh sự chuẩn bị và nộp một bộ hồ sơ bao gồm:
- 01 Tờ khai hợp pháp hóa lãnh sự (theo mẫu có sẵn được ban hành);
- Xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân nếu thực hiện nộp hồ sơ trực tiếp;
- 01 bản chụp giấy tờ tùy thân nếu thực hiện nộp hồ sơ qua đường bưu điện;
- Giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự, có thẩm quyền chứng nhận;
- 01 bản dịch giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự sang tiếng Việt hoặc tiếng Anh trong trường hợp giấy tờ, tài liệu đó được lập bằng thứ tiếng khác;
- 01 bản chụp các giấy tờ, tài liệu ở mục 4 và 5 nêu trên để lưu tại Bộ Ngoại giao.
Trình tự, thủ tục thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
Người đề nghị hợp pháp hóa lãnh sự phải chuẩn bị và nộp một bộ hồ sơ gồm:
- 01 Tờ khai hợp pháp hóa lãnh sự (theo mẫu có sẵn được ban hành)
- Xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân đối với nếu thực hiện nộp hồ sơ trực tiếp;
- 01 bản chụp giấy tờ tùy thân nếu thực hiện nộp hồ sơ qua đường bưu điện;
- Giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự, đã được chứng nhận bởi các cơ quan có thẩm quyền;
- 01 bản dịch giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự sang tiếng Việt, tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài mà cán bộ tiếp nhận hồ sơ có thể hiểu được, nếu các giấy tờ, tài liệu đó được lập bằng thứ tiếng khác;
- 01 bản chụp các giấy tờ, tài liệu nêu tại mục 4 và 5 nêu trên để lưu tại Cơ quan đại diện.
* Lưu ý: Trường hợp cần kiểm tra tính xác thực của giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự, cán bộ tiếp nhận hồ sơ có thể yêu cầu người đề nghị hợp pháp hóa lãnh sự xuất trình bổ sung bản chính giấy tờ, tài liệu có liên quan và nộp 01 bản chụp giấy tờ, tài liệu này để lưu tại Bộ Ngoại giao và Cơ quan đại diện.
Thời hạn xử lý việc hợp pháp hóa lãnh sự
Thời hạn xử lý là 01 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ được xét hợp lệ. Trường hợp hồ sơ có số lượng từ 10 giấy tờ, tài liệu trở lên thì thời hạn giải quyết có thể dài hơn nhưng không được quá 05 ngày làm việc.
Trên đây là toàn bộ bài viết của chúng tôi về Hợp pháp hóa lãnh sự. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như tiếp cận dịch vụ của chúng tôi, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các hình thức sau:
Liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75;
Gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật 1900.6575;
Gửi thư yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!