Người lao động được hưởng lương hưu khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Dưới đây là điều kiện, hồ sơ, trình tự, mức hưởng lương hưu.
Căn cứ pháp lý
– Luật Bảo hiểm xã hội 2014
Điều kiện hưởng lương hưu
Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
– Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về tuổi nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Trình tự, thủ tục hưởng lương hưu
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được xem xét giải quyết chế độ hưởng lương hưu hàng tháng theo trình tự dưới đây.
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Hồ sơ đề nghị hưởng lương hưu bao gồm các giấy tờ theo quy định tại khoản 2 Điều 108 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
– Sổ bảo hiểm xã hội;
– Đơn đề nghị hưởng lương hưu;
– Giấy ủy quyền làm thủ tục giải quyết chế độ hưu trí và nhận lương hưu đối với người đang chấp hành hình phạt tù;
– Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc trở về nước định cư hợp pháp đối với trường hợp xuất cảnh trái phép;
– Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với trường hợp người mất tích trở về.
Trong thời hạn 30 ngày tính đến thời điểm người lao động được hưởng lương hưu, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Bước 2: Giải quyết hồ sơ
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Mức hưởng lương hưu hàng tháng
Người tham gia bảo hiểm xã hội tư nguyện khi đáp ứng điều kiện hưởng lương hưu thì mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính như sau:
– Người nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%;
– Nữ nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;
– Nam nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau: lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.