Căn cứ pháp lý
- Luật khoáng sản 2010
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch
- Nghị định 158/2016/NĐ-CP
1. Điều kiện khai thác cát
Hiện nay, khai thác cát là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật quy định tại. Khoản 2 Điều 53 Luật khoáng sản năm 2010.
Doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác cát khi có đủ các yếu tố sau:
- Khu vực khai thác cát đã được thăm dò, phê duyệt trữ lượng phù hợp với quy hoạch có liên quan
- Dự án đầu tư khai thác cát phải có phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác tiên tiến phù hợp;
- Có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường
- Có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác cát
Ngoài ra, giấy phép khai thác cát chỉ được cấp ở khu vực không có tổ chức, cá nhân đang thăm dò, khai thác khoáng sản hợp pháp và không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
2. Thủ tục xin cấp giấy phép khai thác cát
Trình tự xin cấp giấy phép khai thác cát được thực hiện theo Nghị định 158/2016/NĐ-CP về Trình tự thực hiện thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản, cụ thể như sau:
– Bước 1: Nộp hồ sơ: Doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề khai thác cát nếu có nhu cầu hoạt động trong lĩnh vực này cần phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các văn bản, giấy tờ sau:
+ Bản chính: Đơn đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản (Theo mẫu số 07 Phụ lục thông tư 45/2016/TT-BTNM)
+ Bản chính: Bản đồ khu vực khai thác khoáng sản (Mẫu số 24 – Phụ lục 2 Thông tư số 45/2016/TT-BTNMT);
+ Dự án đầu tư khai thác khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt;
+ Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu của:
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Đối với doanh nghiệp thành lập trên 01 năm tính đến ngày nộp hồ sơ phải có bản sao Báo cáo tài chính của năm gần nhất)
- Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Văn bản xác nhận trúng đấu giá trong trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khu vực đã có kết quả thăm dò;
- Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường kèm theo quyết định phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Quyết định chủ trương đầu tư (đối với trường hợp nhà đầu tư trong nước), Giấy đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với trường hợp là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài);
- Các văn bản chứng minh vốn chủ sở hữu
– Bước 2: Tiếp nhậnhồ sơ:
Trong thời gian không quá 05 ngày, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra văn bản, tài liệu có trong hồ sơ. Trường hợp văn bản, tài liệu trong hồ sơ bảo đảm đúng theo quy định thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ ban hành phiếu tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đề nghị khai thác khoáng sản chưa đầy đủ văn bản, tài liệu theo quy định hoặc đủ nhưng nội dung văn bản, tài liệu trong hồ sơ chưa bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị khai thác khoáng sản bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Việc ban hành văn bản hướng dẫn, yêu cầu bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ của cơ quan tiếp nhận hồ sơ chỉ thực hiện một lần.
– Bước 3: Thẩm định hồ sơ:
+ Trong thời gian không quá 25 ngày, kể từ ngày có phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm hoàn thành việc kiểm tra tọa độ, diện tích khu vực đề nghị khai thác khoáng sản và kiểm tra thực địa; Trường hợp phải lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan về các vấn đề liên quan đến việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản thì thực hiện như sau:
- Trong thời gian không quá 06 ngày, kể từ ngày hoàn thành công việc kiểm tra, cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản lấy ý kiến đến các cơ quan có liên quan về việc cấp Giấy phép khai thác khoáng sản
- Trong thời gian không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về các vấn đề liên quan. Sau thời hạn nêu trên mà không có văn bản trả lời thì được coi như cơ quan được lấy ý kiến đã đồng ý. Thời gian lấy ý kiến đến các cơ quan có liên quan không tính vào thời gian thẩm định;
+ Trong thời gian không quá 40 ngày, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải hoàn thành việc thẩm định các tài liệu, hồ sơ và các nội dung khác có liên quan đến việc khai thác khoáng sản và xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
– Bước 4: Trình hồ sơ cấp Giấy phép khai thác khoáng sản:
+ Trong thời hạn không quá 05 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thẩm định hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm hoàn chỉnh và trình hồ sơ cấp phép cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép;
+ Trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép quyết định việc cấp hoặc không cấp Giấy phép khai thác khoáng sản. Trong trường hợp không cấp phép thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Bước 5: Thông báo và trả kết quả hồ sơ cấp Giấy phép khai thác khoáng sản:
Trong thời gian không quá 07 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ từ cơ quan có thẩm quyền cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản để nhận kết quả và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan theo quy định. Thời gian nêu trên không kể thời gian tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm thủ tục nộp tiền cấp quyền khai thác lần đầu.
Như vậy, doanh nghiệp có đầy đủ năng lực tài chính, năng lực chuyên môn và đáp ứng các điều kiện theo quy định của luật khoáng sản có thể chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác cát. Tùy vào mục đích và quy mô khai thác sẽ được thực hiện tại Sở Tài Nguyên Môi trường nơi có dự án hoặc tại Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam – Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thời gian thực hiện thủ tục không quá 90 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
3. Thẩm quyền cấp giấy phép khai thác cát
Thẩm quyền cấp giấy phép khai thác cát được quy định tại Điều 82 luật khoáng sản 2010 bao gồm:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Sở Tài Nguyên Môi trường) cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố; Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản không thuộc thẩm quyền của UBNDcấp tỉnh
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.