Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Địa điểm kinh doanh là địa điểm doanh nghiệp lựa chọn để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa trên thị trường. Đây cũng là một trong những nội dung được ghi nhận trong giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, khi muốn thay đổi địa điểm kinh doanh ban đầu thì doanh nghiệp phải tiến hành một số thủ tục cần thiết theo quy định. Vây cụ thể, Quy trình thay đổi địa điểm kinh doanh khác quận được thực hiện như thế nào? Không làm thủ tục đăng ký thay đổi địa điểm kinh doanh khác quận bị xử phạt ra sao? Cần lưu ý những gì khi thay đổi địa điểm kinh doanh khác quận? Bài viết sau đây của Luật Hồng Bàng sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc về vấn đề này, mời quý bạn đọc cùng tham khảo nhé. Hi vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho quý bạn đọc.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp 2020

Địa điểm kinh doanh là gì?

Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.

Như vậy, địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình, đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.

Các trường hợp thay đổi địa chỉ trên giấy phép kinh doanh

Theo Luật doanh nghiệp 2020 và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, sẽ có các trường hợp thay đổi địa chỉ trên giấy phép kinh doanh sau:

Thay đổi địa chỉ trụ sở kinh doanh đến nơi khác cùng quận, huyện thành phố trực thuộc trung ương

Trường hợp doanh nghiệp chuyển địa chỉ trụ sở doanh nghiệp đến nơi khác trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đã đăng ký. Trong trường hợp này cơ quan thuế quản lý với doanh nghiệp sẽ không thay đổi và vẫn do Phòng quản lý kinh doanh tại quận huyện thành phố trực thuộc trung ương đó quản lý. Nên việc thay đổi địa chỉ trụ sở vẫn sẽ thực hiện tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký.

Thay đổi địa chỉ trụ sở kinh doanh đến nơi khác quận, huyện, thành phố trực thuộc trung ương

Đối với doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi địa chỉ công ty khác quận, huyện thành phố trực trung ương so với trụ sở doanh nghiệp hiện tại.

Trước khi đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính sang quận, huyện, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi đặt trụ sở chính dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục với Cơ quan thuế liên quan đến việc chuyển địa điểm theo quy định của pháp luật về thuế. Sau đó mới thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh khác quận tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở mới. (Theo khoản 1 Điều 47 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP)

Chuyển địa chỉ sang một tỉnh/thành phố khác

Trường hợp này cũng tương tự như với trường hợp đổi địa chỉ sang quận huyện khác cùng thuộc một tỉnh. Cơ quan quản lý thuế với doanh nghiệp sẽ thay đổi. Do đó trước khi đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính sang tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nơi đặt trụ sở chính dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục với Cơ quan thuế liên quan đến việc chuyển địa điểm theo quy định của pháp luật về thuế. Doanh nghiệp gửi hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi dự định đặt trụ sở mới thực hiện thủ tục thay đổi địa chỉ trụ sở kinh doanh.

Những công việc cần làm khi thay đổi địa điểm kinh doanh khác quận

1. Chốt thuế tại chi cục thuế

Công ty phải thực hiện thủ tục chốt thuế trước khi đăng ký thay đổi thông tin địa chỉ trên giấy phép kinh doanh khi:

  • Khi công ty Việt Nam thay đổi trụ sở chính khác quận, huyện.
  • Khi công ty Việt Nam, công ty vốn đầu tư nước ngoài thay đổi địa chỉ trụ sở chính khác tỉnh.

2. Thay đổi thông tin địa chỉ trên giấy phép liên quan

Công ty có giấy phép con hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau khi thay đổi địa chỉ cần kiểm tra thông tin giấy phép khác để xác định các nghĩa vụ cập nhật thông tin các giấy phép này.

3. Tiến hành treo biển công ty tại địa chỉ mới

Doanh nghiệp cần thực hiện treo biển tại địa chỉ mới, vì không treo biển tại địa chỉ trụ sở chính sẽ bị phạt vi phạm và có thể bị đóng mã số thuế.

4. Thông báo thông tin doanh nghiệp đến cơ quan nhà nước quản lý liên quan đến nội dung thay đổi địa chỉ trên hóa đơn, tài khoản ngân hàng,…

Doanh nghiệp thực hiện thiếu, thực hiện đủ nhưng không đúng sẽ dẫn đến phát sinh các lỗi xử phạt vi phạm hành chính trong, ví dụ: Lỗi không thông báo tiếp tục sử dụng hóa đơn tại chi cục thuế mới mức phạt là 3 – 5 triệu.

Quy trình thay đổi địa điểm kinh doanh khác quận như thế nào?

Để thay đổi địa chỉ công ty khác quận, thay đổi trụ sở công ty khác quận… bạn cần thực hiện đồng thời thủ tục với cơ quan đăng ký thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, chi tiết 2 bước như sau:

Quy trình chốt thuế chuyển quận tại cơ quan thuế

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ để nộp cho cơ quan thuế

Người nộp thuế nộp hồ sơ thay đổi cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp (cơ quan thuế nơi chuyển đi) để thực hiện các thủ tục về thuế trước khi đăng ký thay đổi địa chỉ kinh doanh khác quận. Hồ sơ chốt thuế bao gồm:

  1. Tờ khai điều chỉnh thông tin đăng ký thuế ( Theo mẫu số 08-MST Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính)
  2. Bản sao công chứng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty (02 bản)
  3. Giấy ủy quyền của người đại diện pháp luật cho người trực tiếp nộp hồ sơ (Nếu có).

Bước 2: Cơ quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, cơ quan thuế quận cũ sẽ rà soát lại tình hình đóng thuế, tình hình nộp báo cáo của công ty, nếu còn thiếu hoặc sai sót, cơ quan thuế quận cũ sẽ yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện;

Sau khoảng 10-15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cơ quan thuế sẽ trả mẫu 09-MST Thông báo về việc người nộp thuế chuyển địa điểm. Lúc này trong thông báo nếu còn tồn tại khoản nợ thuế của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải lập tức nộp thuế vào chi cục thuế quận mới để đảm bảo hoàn thành mọi nghĩa vụ thuế.

Sau khi đã hoàn thiện việc chốt thuế với chi cục thuế quận cũ, doanh nghiệp tiếp tục tiến hành thủ tục thay đổi địa chỉ công ty.

Quy trình thay đổi địa điểm kinh doanh khác quận tại Sở kế hoạch & đầu tư

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thay đổi địa chỉ công ty

Để thực hiện thủ tục tại cơ quan hành chính, cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, tài liệu hợp lệ. Chi tiết hồ sơ thay đổi trụ sở công ty khác quận theo từng loại hình doanh nghiệp bao gồm:

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cụ thể là thông báo về việc thay đổi địa chỉ công ty khác quận;
  • Giấy ủy quyền (trường hợp không phải đại diện pháp luật công ty trực tiếp nộp hồ sơ);
  • Bản sao công chứng giấy tờ chứng thực cá nhân của người thực hiện thủ tục;
  • Thông báo về việc chuyển địa điểm (mẫu 09-MST) do cơ quan thuế bàn giao tại bước 1;
  • Quyết định của chủ sở hữu về việc thay đổi trụ sở công ty khác quận (đối với công ty TNHH 1 thành viên, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân);
  • Quyết định của hội đồng thành viên/hội đồng quản trị về việc thay đổi trụ sở công ty khác quận (đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên và công ty cổ phần);
  • Biên bản họp của hội đồng thành viên/hội đồng quản trị về việc thay đổi trụ sở công ty khác quận (đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên và công ty cổ phần).

Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bước tiếp theo phải nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục thay đổi trụ sở là Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh/ thành phố nơi doanh nghiệp đang đặt trụ sở. Bộ phận thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký kinh doanh là Bộ phận một cửa – Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch & Đầu tư tỉnh/ thành phố.

Lưu ý: Tại địa bàn thành phố Hà Nội thì sẽ bắt buộc phải nộp hồ sơ qua mạng tại địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn. Nếu nộp trực tiếp sẽ bị từ chối.

Bước 3: Công bố thông tin thay đổi đăng ký doanh nghiệp

Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ tại Sở Kế hoạch đầu tư doanh nghiệp sẽ nhận được Giấy phép chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công nhận địa chỉ công ty mới.

Sau đó, doanh nghiệp phải thực hiện Công bố thông tin – đây là thủ tục bắt buộc khi thay đổi đăng ký doanh nghiệp.

Do đó, doanh nghiệp nên thực hiện công bố thông tin thay đổi đúng hạn để tránh bị xử lý vi phạm hành chính, gây ảnh hưởng về công việc kinh doanh của công ty.

Không làm thủ tục đăng ký thay đổi địa điểm kinh doanh khác quận bị xử phạt ra sao?

Tại Điều 44 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm về thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như sau:

Điều 44. Vi phạm về thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

  1. Cảnh cáo đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày.
  2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 11 ngày đến 30 ngày.
  3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 90 ngày.
  4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.
  5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
  6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này trong trường hợp chưa đăng ký thay đổi theo quy định;

b) Buộc đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.

Theo đó, trường hợp chuyển địa điểm kinh doanh mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh thì hộ kinh doanh có thể bị phạt tiền theo quy định nêu tren.

Cần lưu ý những gì khi thay đổi địa điểm kinh doanh khác quận?

Khi tiến hành thủ tục thay đổi địa điểm kinh doanh khác quận, doanh nghiệp bạn cần lưu ý các vấn đề như sau:

  • Trước khi nộp hồ sơ chốt thuế, doanh nghiệp cần chủ động nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn các quý gần nhất thông qua chữ ký số của doanh nghiệp.
  • Trường hợp hóa đơn theo địa chỉ cũ vẫn còn, nếu:
  • Doanh nghiệp muốn tiếp tục sử dụng thì phải làm thông báo chốt hóa đơn bên quận cũ. Sau đó khắc con dấu vuông địa chỉ mới, đóng lên hóa đơn và làm mẫu TB04/ACnộp lên cơ quan thuế quận mới;
  • Doanh nghiệp không muốn tiếp tục sử dụng thì phải làm thông báo hủy hóa đơn theo mẫu TB03/ACtrên phần mềm HTKK và nộp online trên trang Thuế điện tử. Sau đó, khi đặt in hóa đơn mới với địa chỉ mới thì doanh nghiệp phải làm lại thông báo phát hành hóa đơn mới.
  • Trong quá trình nộp hồ sơ chốt thuế tại quận cũ doanh nghiệp không được xuất hóa đơn.

Sau khi thủ tục thay đổi địa điểm kinh doanh khác quận hoàn thành, doanh nghiệp cần lưu ý các việc sau:

  • Thay đổi thông tin địa chỉ công ty khác quận/huyện sẽ cần tiến hành thay đổi cơ quan bảo hiểm y tế, xã hội;
  • Ký hợp lục hợp đồng thay đổi địa chỉ với các hợp đồng đã ký và đang tiến hành công việc;
  • Thay đổi mọi thông tin liên quan có ghi nhận địa chỉ công ty trên đó;
  • Thay đổi thông tin địa chỉ chủ tài khoản đối với tài khoản ngân hàng công ty.
  • Thông báo cho tất cả đối tác khách hàng và bên có liên quan biết về sự thay đổi này.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua  hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua emaillienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!