- Nhóm hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh
Hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh được quy định tại Luật cạnh tranh 2018 bao gồm: Hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (Chương III Luật cạnh tranh 2018); Hành vi vi phạm quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền (Chương IV Luật cạnh tranh 2018); Hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế (Chương V Luật cạnh tranh 2018); Hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh (Chương VI Luật cạnh tranh 2018); Hành vi vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh khác.
Hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh:là sự thống nhất cùng hành động của nhiều doanh nghiệp nhằm giảm bớt hoặc loại bỏ sức ép của cạnh tranh hoặc hạn chế khả năng hành động một cách độc lập giữa các đối thủ cạnh tranh. Pháp luật Việt Nam chưa có một định nghĩa cụ thể thế nào là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh mà chỉ liệt kê các hành vi được coi là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh tại điều 11 Luật cạnh tranh 2018. Hậu quả của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là làm giảm sức ép cạnh tranh, làm sai lệch hoặc cản trở cạnh tranh trên thị trường
Hành vi vi phạm quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền: Một doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể.
Theo quy định tại Điều 27 Luật Cạnh Tranh 2018, Các hành vi bị cấm vì vi phạm Luật Cạnh tranh bao gồm: Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh; Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng; Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng; Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác; Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác; Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác; Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo quy định của luật khác.
Hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế là hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh. Theo đó Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.
Hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác
- Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm đối với các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây: Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó; Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
Thứ hai, ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.
Thứ ba, cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Thứ tư, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.
Thứ năm, lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây: Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác; So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.
Thứ sáu, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó. Và Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác.
- Tuân thủ pháp luật cạnh tranh trong các giao dịch M&A
M&A và tập trung kinh tế là quyền tự do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được thực hiện và pháp luật không cấm khi doanh nghiệp lớn mạnh bằng chính nội lực của mình. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp lớn mạnh và đạt được sức mạnh thị trường nhất định, có vị trí thống lĩnh hay vị trí độc quyền nhưng thông qua hình thức M&A, tức là đi thâu tóm lại doanh nghiệp khác hoặc kết hợp sức mạnh thị trường với một doanh nghiệp khác không phải do nội lực của mình thì pháp luật cạnh tranh của tất cả các nước đều kiểm soát nhằm đánh giá, ngăn ngừa những yếu tố tiềm ẩn khi hình thành vị trí thống lĩnh hay độc quyền do M&A mang lại. Đây là lý do cần kiểm soát tập trung kinh tế.
Pháp luật cạnh tranh Việt Nam đưa ra các ngưỡng để doanh nghiệp có nghĩa vụ, trách nhiệm phải thông báo về tập trung kinh tế, đó là: tổng tài sản trên thị trường Việt Nam; tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam; giá trị của giao dịch tập trung kinh tế và thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan tại Việt Nam.
* Xử phạt hành chính
Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh; tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu mức xử phạt hành chính được quy định trong Mục 4 Nghị định 75/2019/NĐ-CP. Chế tài phạt hành chính có thể là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền là chủ yếu. Cụ thể:
– Hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh bị phạt tiền từ 200 – 300 triệu đồng
– Hành vi ép buộc trong kinh doanh (đe dọa hoặc cưỡng ép để đối tác của doanh nghiệp khác không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó): bị phạt tiền từ 200 – 300 triệu đồng (nếu ép buộc hách hàng hoặc đối tác kinh doanh lớn nhất của đối thủ cạnh tranh).
– Hành vi cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bị phạt tiền từ 200 – 300 triệu đồng (cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp).
– Hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bị phạt tiền từ 100 – 150 triệu đồng với hành vi trực tiếp cản trở, làm gián đoạn kinh doanh của doanh nghiệp khác.
– Hành vi lôi kéo khách hàng bất chính bị phạt tiền từ 100 – 200 triệu đồng
– Hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ bị phạt tiền từ 800 triệu – 01 tỷ đồng
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm; tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một; một số hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
– Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
– Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh;
– Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
* Xử lý hình sự
Tại Điều 217 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định riêng về Tội vi phạm quy định về cạnh tranh, theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác từ 01 – dưới 05 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
– Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;
– Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận;
– Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan 30% trở lên thuộc một trong các trường hợp:
+ Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp;
+ Thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
+ Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, dịch vụ;
+ Thỏa thuận hạn chế phát triển công nghệ, kỹ thuật, hạn chế đầu tư;
+ Thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!