Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

1/ Khái niệm và đặc điểm của vốn pháp định

Hiện nay, Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 không có quy định về khái niệm vốn pháp định là gì. Tuy nhiên, trước đây tại khoản 7 Điều 4 Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 quy định về vốn pháp định cụ thể như sau:

“Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp.”

Dựa theo quy định trên, có thể hiểu một cách khái quát vốn pháp định là mức vốn tối thiểu mà doanh nghiệp phải có để được thành lập. Vốn pháp định được cơ quan có thẩm quyền ấn định cho mỗi ngành nghề kinh doanh cụ thể, được xem là có thể thực hiện được dự án khi doanh nghiệp thành lập.

Tùy theo mỗi lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh khác nhau mà mức vốn pháp định cũng được quy định khác nhau.

Có thể hiểu vốn pháp định dựa trên các đặc điểm dưới đây:

– Phạm vi áp dụng: Chỉ áp dụng cho một số ngành nghề nhất định theo quy định.

– Đối tượng áp dụng: Các chủ thể kinh doanh, gồm: cá nhân, pháp nhân, hộ kinh doanh, tổ chức, tổ hợp tác,…

– Ý nghĩa pháp lý: Giúp cho doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh sau khi được thành lập, có thể tránh hoặc phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra.

– Thời điểm cấp: Được cấp trước khi doanh nghiệp được cấp giấy phép thành lập, hoạt động.

2/ Phân biệt vốn pháp định và vốn điều lệ

Căn cứ theo khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì vốn điều lệ được hiểu là: Tổng giá trị tài sản mà các thành viên của công ty hợp danh/công ty TNHH đã góp hoặc cam kết sẽ góp vào công ty khi thành lập hoặc là tổng giá trị của mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được cổ đông đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Nói một cách khái quát, vốn điều lệ là số tiền mà thành viên cam kết góp tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, được thể hiện trong Giấy đề nghị thành lập doanh nghiệp khi nộp hồ sơ cho Phòng đăng ký kinh doanh. 

Từ khái niệm trên và nội dung tại mục 1, có thể khẳng định vốn pháp định không phải là vốn điều lệ. Dù đều là số vốn ban đầu mà doanh nghiệp phải có khi thành lập nhưng vốn pháp định và vốn điều lệ có các điểm khác nhau như sau:

Nội dung

Vốn pháp định

Vốn điều lệ

Cơ sở xác định

Vốn pháp định không phụ thuộc vào loại hình của doanh nghiệp mà xác định dựa theo ngành nghề kinh doanh.

Doanh nghiệp dự định đăng ký thành lập có ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mà pháp luật quy định phải có vốn pháp định thì vốn góp tối thiểu vào doanh nghiệp phải bằng vốn pháp định theo quy định.

Khi thành lập doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký vốn điều lệ. Vốn điều lệ này có thể đăng ký tăng hoặc giảm trong quá trình doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thời hạn góp vốn

Doanh nghiệp phải góp đủ vốn pháp định ngay từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh ngành nghề có điều kiện theo quy định pháp luật.

Doanh nghiệp thực hiện việc góp vốn điều lệ trong vòng 90 ngày tính từ ngày được cơ quan thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Mức vốn

Mức vốn pháp định được pháp luật quy định là cố định đối với từng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh.

Ví dụ một số ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định: Ngân hàng thương mại yêu cầu vốn pháp định là tối thiểu 3.000 tỷ đồng; Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ loại bảo hiểm có liên kết với đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm về sức khỏe yêu cầu vốn pháp định tối thiểu là 600 tỷ đồng,…

Pháp luật không có quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu/tối đa khi thành lập doanh nghiệp.

Tuy nhiên cần phải chú ý nếu việc đăng ký vốn điều lệ quá thấp thì khó để tạo được niềm tin với khách hàng trong các giao dịch cũng như hoạt động kinh doanh. Còn nếu đăng ký vốn điều lệ quá cao so với số vốn thực tế thì sẽ tác động đến nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp.

3/ Vốn pháp định của một số ngành nghề

  • Ngân hàng và các tổ chức tín dụng

Căn cứ theo quy định tại Nghị định 86/2019/NĐ-CP, vốn pháp định của ngân hàng và các tổ chức tín dụng được quy định như sau:

– Ngân hàng thương mại có vốn pháp định là: 3.000 tỷ đồng.

– Ngân hàng hợp tác xã có vốn pháp định là: 3.000 tỷ đồng.

– Ngân hàng chính sách có vốn pháp định là: 5.000 tỷ đồng.

– Chi nhánh ngân hàng nước ngoài có vốn pháp định là: 15 triệu USD.

– Công ty tài chính có vốn pháp định là: 500 tỷ đồng.

– Công ty cho thuê tài chính có vốn pháp định là: 150 tỷ đồng.

– Tổ chức tài chính vi mô có vốn pháp định là: 05 tỷ đồng.

– Quỹ tín dụng nhân dân (hoạt động tại xã) có vốn pháp định là: 0,5 tỷ đồng.

– Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động tại địa bàn của phường, liên xã, liên xã phường, liên phường có vốn pháp định là: 01 tỷ đồng.

  • Kinh doanh chứng khoán (Điều 175 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP)

– Môi giới chứng khoán: 25 tỷ đồng

– Bảo lãnh phát hành chứng khoán: 165 tỷ đồng

– Tự doanh chứng khoán: 50 tỷ đồng

– Tư vấn đầu tư chứng khoán: 10 tỷ đồng

  • Thành lập trường đại học tư thục (Nghị định 46/2017/NĐ-CP): 1.000 tỷ đồng (chưa gồm giá trị đất xây dựng trường)
  • Kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm: 15 tỷ đồng (chưa gồm mức vốn pháp định của các linh vực kinh doanh khác mà doanh nghiệp được phép kinh doanh).

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua  hotline: 0912.35.65.75, hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!