Cơ sở pháp lý:
– Luật hợp tác xã 2012
– Nghị định 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật hợp tác xã
– Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT sửa đổi Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
Hợp tác xã có được đăng ký thành lập chi nhánh hay không?
Theo Khoản 1 Điều 16 Nghị định 193/2013/NĐ-CP, việc đăng ký thành lập chi nhánh hợp tác xã được quy định như sau:
“Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tiến hành đăng ký tại cơ quan đăng ký hợp tác xã nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.”
Theo đó, hợp tác xã được quyền thành lập chi nhánh hoạt động.
Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT có quy định cơ quan đăng ký chi nhánh hợp tác xã như sau:
“Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã đăng ký tại Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi hợp tác xã đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.”
Như vậy, trường hợp thành lập chi nhánh của hợp tác xã thì cơ quan tiếp nhận đăng ký là Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi hợp tác xã đặt chi nhánh.
Nội dung thông báo thành lập
Theo Khoản 2 Điều 16 Nghị định 193/2013/NĐ-CP quy định nội dung thông báo thành lập chi nhánh hợp tác xã như sau:
- Tên hợp tác xã, địa chỉ trụ sở chính, số giấy chứng nhận đăng ký, ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.
- Tên chi nhánh dự định thành lập, tên phải kèm theo chữ “chi nhánh” đối với đăng ký thành lập chi nhánh.
- Họ tên, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, quốc tịch, số giấy chứng minh nhân dân, số hộ chiếu hoặc chứng thực hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã.
- Địa chỉ chi nhánh.
- Ngành nghề kinh doanh của chi nhánh.
- Họ tên, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, quốc tịch, CMND, số hộ chiếu hoặc chứng thực hợp pháp khác của người đại diện chi nhánh.
Hồ sơ đăng ký thành lập
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định 193/2013/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký thành lập chi nhánh gồm:
- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.
- Nghị quyết của đại hội thành viên về việc mở chi nhánh của hợp tác xã.
- Quyết định bằng văn bản của hội đồng quản trị về việc cử người đại diện chi nhánh, kèm theo bản sao hợp lệ CMND, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện chi nhánh.
Chi nhánh của hợp tác xã có phải gắn tên của hợp tác xã không ?
Tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 193/2016/NĐ-CP có quy định về tên của hợp tác xã như sau:
“Tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát hành.”
Theo đó, khi thành lập chi nhánh, hợp tác xã phải gắn tên của mình tại chi nhánh đã được đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.
Trên đây là toàn bộ bài viết của Luật Hồng Bàng liên quan đến Hợp tác xã có được thành lập chi nhánh không ?. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như tiếp cận dịch vụ của Luật Hồng Bàng, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900.6575 hoặc gửi thư yêu cầu dịch vụ qua email: infor@hongbanglawfirm.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!