Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Căn cứ pháp lý

  • Nghị định 15/2018/NĐ-CP

1. Vệ sinh an toàn thực phẩm là gì ?

An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Có thể hiểu rằng an toàn vệ sinh thực phẩm là đảm bảo cho thực phẩm luôn sạch, đảm bảo vệ sinh cho người sử dụng. Những thực phẩm đảm bảo vệ sinh cần được kiểm nghiệm và trải qua quá trình công bố sản phẩm nghiêm ngặt, có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

Vệ sinh an toàn thực phẩm là các điều kiện đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ cung cấp thực phẩm thông qua việc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm :

–  Bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

– Sản xuất, kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh.

– Quản lý an toàn thực phẩm phải trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng.

– Quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm.

– Quản lý an toàn thực phẩm phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành.

– Quản lý an toàn thực phẩm phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

2. Các ngành nghề đối tượng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Hiện nay các đối tượng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như sau:

– Cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống cố định là bất cứ một gian nhà, toà nhà nằm trong mặt phố, dùng để kinh doanh thực phẩm được chia làm hai loại: cơ sở dịch vụ ăn uống và cơ sở bán thực phẩm.

– Cơ sở dịch vụ ăn uống là các cơ sở chế biến, xử lý thực phẩm để bán cho khách ăn uống ngay tại chỗ.

– Cơ sở bán thực phẩm là các cơ sở chỉ để bán thực phẩm (còn gọi là cửa hàng thực phẩm) không có dịch vụ ăn uống tại chỗ.

– Cửa hàng ăn hay còn gọi là tiệm ăn là các cơ sở dịch vụ ăn uống cố định tại chỗ bảo đảm cùng lúc cho số lượng người ăn khoảng dưới 50 người (cửa hàng cơm bình dân, phở, bún, miến, cháo…).

– Nhà hàng ăn uống là các cơ sở ăn uống, thường có từ 50 người ăn đồng thời một lúc. Quán ăn là các cơ sở ăn uống nhỏ, thường chỉ có một vài nhân viên phục vụ, có tính bán cơ động, thường được bố trí ở dọc đường, trên hè phố, những nơi công cộng.

– Căng tin là cơ sở bán quà bánh, hàng điểm tâm giải khát và ăn uống trong tập thể nội bộ cơ quan.

– Chợ là nơi để mọi người đến mua, bán theo những ngày, buổi nhất định.

– Nhà ăn tập thể hay bếp ăn tập thể là nhà dùng làm chỗ ăn uống cho tập thể, bao gồm cả chế biến, nấu nướng tại chỗ.

– Siêu thị là các cửa hàng rất lớn, bán thực phẩm và hàng hoá đủ loại.

– Hội chợ là nơi tổ chức trưng bày, giới thiệu, thi, đánh giá chất lượng hàng hoá.

Ngoài ra căn cứ vào Điều 12  Nghị định 15/2018/NĐ-CP  các cơ sở sau đây không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:

– Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

– Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;

– Sơ chế nhỏ lẻ;

– Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;

– Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;

– Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;

– Nhà hàng trong khách sạn;

– Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;

– Kinh doanh thức ăn đường phố;

–  Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

3. Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở điều kiện an toàn thực phẩm

– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (Theo mẫu số 14, ban hành kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP).

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

–  Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

– Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;

– Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.

Cơ quan cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm:

– Sở Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở chế biến thức ăn.

– Sở Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Trường hợp nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 03 năm.Trước 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!

Công ty Luật Hồng Bàng./.