Nhà nước đang có nhiều chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Vậy lao động tự do có nên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không?
Căn cứ pháp lý
– Luật bảo hiểm xã hội 2014
– Nghị định 134/2015/NĐ-CP
Một số điều nên biết về bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm xã hội bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Trong đó, bảo hiểm xã hội tự nguyện loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Đối tượng tham gia
Người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Mức đóng và phương thức đóng
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn mức tiền lương tháng để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức lương tháng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Hàng tháng, người lao động sẽ đóng 22% mức tiền lương tháng đã chọn.
Do tính chất tự nguyện nên người lao động có thể tham gia hoặc không. Tuy nhiên, Nhà nước khuyến khích người lao động tham gia, có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng quy định cụ thể tại Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP.
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn được lựa chọn phương thức đóng, có thể là đóng hàng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần,…theo quy định của pháp luật.
Các chế độ mà người tham gia được hưởng
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.
♣ Chế độ hưu trí áp dụng với người tham gia đủ tuổi nghỉ hưu (từ đủ 60 tuổi đối với nam; từ đủ 55 tuổi đối với nữ) và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
♣ Chế độ tử tuất: Thân thân người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở quy định tại Điều 80 Luật bảo hiểm xã hội 2014. Ngoài ra, thân nhân còn có thể được hưởng trợ cấp tuất theo quy định tại Điều 81 Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Vậy có nên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hay không?
Bảo hiểm xã hội giống như “của để giành” cho người lao động tự do không thuộc đối tượng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Bởi lẽ, người lao động khi đến tuổi vẫn được hưởng lương hưu hàng tháng trên cơ sở đã đóng 22% mức thu nhập tháng lựa chọn vào Quỹ hưu trí và tử tuất.
Trong trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chết thì thân nhân của họ sẽ được hưởng trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất khi đáp ứng các điều kiện của pháp luật.
Không những vậy, Nhà nước cũng đang rất khuyến khích người lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thiết thực nhất, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm cho người tham gia: 30% đối với người thuộc hộ nghèo, 20% đối với người thuộc diện cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.
Chính vì vật, lao động tự do nên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, vì an sinh xã hội, vì hạnh phúc mọi nhà.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.