Căn cứ pháp lý:
– Luật Chứng khoán 2019
– Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế
Những đối tượng nào được mua trái phiếu?
Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định về đối tượng được mua trái phiếu gồm: Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán. Đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán 2019 quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán bao gồm:
- Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán,…;
- Công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch;
- Người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán;
- Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 02 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
- Cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 01 tỷ đồng tính đến thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế hoặc chứng từ khấu trừ thuế của tổ chức, cá nhân chi trả.
Những quyền lợi được hưởng khi mua trái phiếu
Tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP, những quyền lợi được hưởng của nhà đầu tư khi mua trái phiếu gồm có:
1. Được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin đầy đủ; được quyền tiếp cận hồ sơ chào bán trái phiếu khi có yêu cầu.
2. Được doanh nghiệp phát hành thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn, thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu và các thỏa thuận với doanh nghiệp phát hành.
3. Được yêu cầu doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn trong trường hợp:
- Có thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành và người sở hữu trái phiếu về việc mua lại trước hạn;
- Bắt buộc mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư khi: Doanh nghiệp phát hành vi phạm pháp luật về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận; Doanh nghiệp phát hành vi phạm phương án phát hành trái phiếu mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận; Các trường hợp khác được nêu cụ thể tại phương án phát hành trái phiếu (nếu có).
4. Được yêu cầu người bán trái phiếu cung cấp đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành khi mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp.