Trong thời buổi kinh tế hiện nay, nhượng quyền thương mại có lẽ không còn quá xa lạ đối với giới đầu tư trong nước. Tuy nhiên, các quy định cụ thể của pháp luật về nhượng quyền thương mại thì không phải ai cũng nắm rõ và tuân thủ đúng. Nhận biết được vấn đề này, công ty Luật Hồng Bang sau đây sẽ đưa ra cho quý khách hàng cái nhìn toàn cảnh dưới góc độ pháp lý về nhượng quyền thương mại.
Căn cứ pháp lý
- Luật Thương mại năm 2005
- Nghị định số 35/2005/NĐ-CP của Chính phủ
- Nghị định số 08/2018/NĐ-CP của Chính phủ
- Văn bản hợp nhất số 12/VBHN-BCT của Bộ Công thương
Khái niệm nhượng quyền thương mại
Dưới góc nhìn của Luật thương mại năm 2005, nhượng quyền thương mại được hiểu là hoạt động thương mại mà trong đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình thực hiện công việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nếu đáp ứng được các hai điều kiện là:
- Cách thức tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ phải do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
- Bên nhượng quyền được quyền kiểm soát và hỗ trợ bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Hình thức của hợp đồng nhượng quyền thương mại
Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được các bên lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Quyền và nghĩa vụ của bên nhượng quyền
Thương nhân nhượng quyền có những quyền gì?
Điều 286 của Luật thương mại năm 2005 ghi nhận các quyền sau của thương nhân nhượng quyền nếu không có thỏa thuận khác giữa các bên:
- Nhận tiền nhượng quyền;
- Tổ chức hoạt động quảng cáo cho hệ thống nhượng quyền thương mại và mạng lưới nhượng quyền thương mại;
- Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các hoạt động của bên nhận quyền để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống nhượng quyền thương mại và sự ổn định của chất lượng hàng hoá và dịch vụ.
Thương nhân nhượng quyền có nghĩa vụ gì?
Điều 287 của Luật thương mại năm 2005 ghi nhận các nghĩa vụ sau của thương nhân nhượng quyền nếu không có thỏa thuận khác giữa các bên:
- Cung cấp các tài liệu hướng dẫn về hệ thống nhượng quyền thương mại cho bên nhận quyền;
- Đào tạo ban đầu và cung cấp các trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho thương nhân nhận quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống nhượng quyền thương mại;
- Thiết kế và sắp xếp địa điểm tổ chức bán hàng và cung ứng dịch vụ (chi phí này được thương nhân nhận quyền trả);
- Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi nhận trong hợp đồng nhượng quyền;
- Đối xử bình đẳng, không được có hành vi phân biệt đối xử đối với các thương nhân nhận quyền trong hệ thống nhượng quyền thương mại.
Quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền
Thương nhân nhận quyền có quyền gì?
Điều 288 của Luật thương mại năm 2005 ghi nhận các quyền sau của thương nhân nhận quyền nếu không có thỏa thuận khác giữa các bên:
- Yêu cầu thương nhân nhượng quyền cung cấp đầy đủ trợ giúp kỹ thuật phục vụ cho hệ thống nhượng quyền thương mại;
- Yêu cầu thương nhân nhượng quyền đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền khác trong hệ thống nhượng quyền thương mại.
Thương nhân nhận quyền có nghĩa vụ gì?
Điều 289 của Luật thương mại năm 2005 ghi nhận các nghĩa vụ sau của thương nhân nhận quyền nếu không có thỏa thuận khác giữa các bên:
- Chi trả khoản tiền nhượng quyền và thanh toán các khoản tiền khác theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;
- Đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực phục vụ cho việc tiếp nhận các quyền và bí quyết kinh doanh mà bên nhượng quyền chuyển giao;
- Chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền; tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của thương nhân nhượng quyền;
- Giữ bí mật về bí mật kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi kết thúc và chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại;
- Ngừng việc sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có) hoặc hệ thống của bên nhượng quyền khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt;
- Điều hành các hoạt động phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại;
- Nếu không có sự chấp thuận, đồng ý của bên nhượng quyền thì không được nhượng quyền lại.
Nhượng quyền lại cho bên thứ ba
Bên nhận quyền có quyền nhượng quyền lại cho bên thứ ba nếu có sự chấp thuận, đồng ý của bên nhượng quyền. Tương tự như trên, bên nhận lại quyền cũng có các quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền đã nêu ở trên.
Điều kiện để nhượng quyền thương mại là gì?
Căn cứ quy định tại Nghị định số 35/2006/NĐ-CP và Nghị định số 08/2018/NĐ-CP, để nhượng quyền thương mại thì phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Hệ thống kinh doanh dự định sẽ nhượng quyền phải là hệ thống đã được đưa vào hoạt động ít nhất là 1 năm thì thương nhân mới được phép cấp quyền thương mại.
Nếu thương nhân Việt Nam là Bên nhận quyền sơ cấp từ Bên nhượng quyền nước ngoài, thương nhân Việt Nam đó phải hoạt động kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương mại ít nhất 1 năm ở Việt Nam trước khi tiến hành thủ tục cấp lại quyền thương mại.
– Đã thực hiện đăng ký nhượng quyền thương mại với các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền theo quy định của Luật Thương mại (Điều 18).
– Các loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh phải là đối tượng được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại của Luật Thương mại (Điều 7)
Một số quy định về thủ tục đăng ký nhượng quyền thương mại
Cơ quan có thẩm quyền thực hiện đăng ký nhượng quyền thương mại
Bộ Thương mại thực hiện hoạt động đăng ký nhượng quyền thương mại trong trường hợp:
– Nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam.
– Nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài.
Sở Thương mại, Sở thương mại Du lịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thương nhân dự kiện sẽ nhượng quyền đăng ký kinh doanh thực hiện hoạt động đăng ký nhượng quyền thương mại trong nước (không kể hoạt động chuyển giao qua ranh giới Khu chế xuất, Khu phi thuế quan hoặc các khu vực hải quan riêng theo quy định cụ thể của pháp luật trong nước).
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động chuyên trong lĩnh vực mua bán hàng hóa và các hoạt động khác liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa thực hiện đăng ký nhượng quyền thương mại ở Sở Thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Hồ sơ đăng ký nhượng quyền thương mại trong nước
Đơn đăng ký nhượng quyền thương mại (theo mẫu ban hành có sẵn)
Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại (theo mẫu ban hành có sẵn)
Bản sao đã được công chứng của Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
Bản sao đã được công chứng của văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài nếu có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ;
Giấy tờ chứng minh sự đồng ý, chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu nếu thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp;
Tiếp nhận hồ sơ đăng ký nhượng quyền thương mại
Cơ quan đăng ký ghi giấy biên nhận khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký nhượng quyền thương mại.
Nếu xét thấy hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký phải thực hiện thông báo bằng văn bản cho chủ thể nộp hồ sơ để yêu cầu bổ sung, sửa đổi hoàn chỉnh hồ sơ. Thời hạn xử lý hồ sơ được tính kể từ thời điểm chủ thể đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại bổ sung, sửa đổi hồ sơ đầy đủ.
Trên đây là toàn bộ bài viết của chúng tôi về Nhượng quyền thương mại. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như tiếp cận dịch vụ của chúng tôi, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các hình thức sau:
Liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75;
Gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật 1900.6575;
Gửi thư yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!