Phán quyết trọng tài mang tính chung thẩm nên các bên tranh chấp không thể yêu cầu trọng tài giải quyết một vụ việc tới hai lần. Tuy nhiên, các bên vẫn có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài sửa chữa phán quyết của mình trong trường hợp có sai sót xảy ra. Vậy quy trình sửa chữa phán quyết trọng tài được diễn ra như thế nào?
Cơ sở pháp lý
- Luật Trọng tài Thương mại Việt Nam 2010.
Quy trình sửa chữa phán quyết trọng tài
Quy định liên quan đến vấn đề sửa chữa phán quyết trọng tài đã được pháp luật Việt Nam quy định tại Khoản 1, Khoản 3 và Khoản 5 Điều 63 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010. Theo đó, việc sửa chữa phán quyết trọng tài sẽ có thể do:
- Các bên tranh chấp yêu cầu Hội đồng trọng tài;
- Hoặc Hội đồng trọng tài tự mình chủ động sửa chữa phán quyết trọng tài.
Tùy vào những trường hợp khác nhau, thì quy trình sửa chữa phán quyết trọng tài cũng sẽ khác nhau. Do đó, nằm trong trường hợp nào, thì các bên tranh chấp và Hội đồng trọng tài phải tuân thủ theo quy trình thuộc trường hợp đó.
Quy trình sửa chữa phán quyết trọng tài trong trường hợp các bên tranh chấp có yêu cầu sửa chữa phán quyết trọng tài
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 63 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010, quy trình sửa chữa phán quyết trọng tài khi mà các bên tranh chấp đưa ra yêu cầu Hội đồng trọng tài sửa chữa phán quyết như sau:
- Bước 1 (Hội đồng trọng tài ra phán quyết): Hội đồng trọng tài đưa ra phán quyết cuối cùng bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số ngay tại phiên họp hoặc chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối (Điều 60 và Khoản 3 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010).
- Bước 2 (Các bên xem xét phán quyết của Hội đồng trọng tài): Sau khi nhận được phán quyết được lập thành bằng văn bản của Hội đồng trọng tài, các bên tranh chấp sẽ tiến hành xem xét các vấn đề của phán quyết như những lỗi không rõ ràng về chính tả, về số liệu,…
- Bước 3 (Các bên tranh chấp yêu cầu sửa chữa phán quyết trọng tài): Một trong các bên tranh chấp khi nhận thấy phán quyết trọng tài có lỗi sai về chính tả, hay số liệu bị sai do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai, thì bên tranh chấp phát hiện ra lỗi sai phải làm như sau:
- Ngay lập tức thông báo cho bên còn lại về những lỗi sai trong phán quyết của Hội đồng trọng tài;
- Nếu các bên không có thỏa thuận khác về thời hạn, kể từ ngày nhận được phán quyết, trong vòng 30 ngày, các bên có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài sửa chữa lại phán quyết của mình.
- Bước 4 (Hội đồng xem xét yêu cầu sửa chữa phán quyết trọng tài): Khi nhận được yêu cầu sửa chữa lại phán quyết từ các bên tranh chấp, Hội đồng trọng tài sẽ tiến hành xem xét xem yêu cầu này từ phía của nguyên đơn và bị đơn là có chính đáng hay không.
- Bước 5 (Hội đồng trọng tài ra quyết định cuối cùng): Trong khi xem xét yêu cầu của các bên tranh chấp liên quan đến vấn đề sửa chữa phán quyết, Hội đồng trọng tài sẽ đưa ra quyết định trong một trong hai trường hợp dưới đây:
- Trường hợp Hội đồng trọng tài nhận thấy yêu cầu của các bên là không chính đáng, Hội đồng trọng tài có thể bác bỏ yêu cầu này và giữ nguyên phán quyết của mình;
- Trường hợp Hội đồng trọng tài cho rằng yêu cầu của các bên là chính đáng, thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài phải tiến hành sửa chữa phán quyết của mình.
Quy trình sửa chữa phán quyết trọng tài trong trường hợp Hội đồng trọng tài tự mình chủ động sửa chữa phán quyết trọng tài
Trong trường hợp Hội đồng trọng tài tự mình nhận thấy lỗi sai trong phán quyết của mình và tự động sửa chữa lại, thì sẽ phải tuân thủ theo quy trình được dựa trên quy định tại Khoản 3 Điều 63 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010 như dưới đây:
- Bước 1 (Hội đồng trọng tài ra phán quyết cuối cùng): Căn cứ theo Điều 60 và Khoản 3 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010, Hội đồng trọng tài sẽ ra phán quyết bằng văn bản, có giá trị chung thẩm ngay tại phiên họp hoặc chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng.
- Bước 2 (Hội đồng trọng tài xem xét lại phán quyết của mình): Sau khi đã đưa ra phán quyết cuối cùng, Hội đồng trọng tài có thể tự mình xem xét lại các phán quyết của mình xem có những lỗi sai không rõ ràng về chính tả hay số liệu có bị sai sót do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai hay không.
- Bước 3 (Hội đồng trọng tài ra quyết định xem có sửa chữa phán quyết hay không): Sau quá trình xem xét lại phán quyết của mình, Hội đồng trọng tài sẽ đưa ra một trong hai quyết định sau:
- Trường hợp Hội đồng trọng tài không phát hiện ra sai sót gì trong phán quyết của mình, thì Hội đồng trọng tài sẽ tiến hành giữ nguyên phán quyết và không tạo ra bất kỳ sự thay đổi nào.
- Trường hợp Hội đồng trọng tài nhận thấy cần phải sửa chữa phán quyết của mình, thì kể từ ngày ban hành phán quyết, trong vòng 30 ngày, Hội đồng trọng tài tự mình chủ động sửa lại những lỗi đã phát hiện ra có sai sót trong phán quyết của mình.
- Bước 4 (Hội đồng trọng tài thông báo cho các bên): Trong trường hợp, phán quyết có sự thay đổi do Hội đồng trọng tài đã tiến hành sửa chữa phán quyết, thì Hội đồng trọng tài phải ngay lập tức thông báo về sự thay đổi này cho các bên được biết.
Bên cạnh đó, dựa vào quy định tại Khoản 5 Điều 63 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010, trong các trường hợp cần thiết, Hội đồng trọng tài có thể gia hạn việc sửa chữa lại phán quyết của mình. Tức là, thay vì thời hạn 30 ngày như đã được quy định ở trên, Hội đồng trọng tài có thể gia hạn việc sửa chữa phán quyết có thể nhiều hơn 30 ngày.
Một số lưu ý đối với quy trình sửa chữa phán quyết trọng tài
- Trong trường hợp các bên tranh chấp có yêu cầu sửa chữa phán quyết, nếu các bên có thỏa thuận về thời hạn khác với thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được phán quyết, thời hạn yêu cầu sửa chữa phán quyết sẽ tuân theo những gì mà các bên đã thỏa thuận.
- Việc gia hạn thời hạn sửa chữa phán quyết trọng tài chỉ được tiến hành trong trường hợp cần thiết. Nếu không thuộc vào một trong các trường hợp cần thiết, thì Hội đồng trọng tài sẽ không được gia hạn việc sửa chữa mà phải tiến hành sửa chữa theo đúng thời hạn đã được quy định.
- Việc sửa chữa phán quyết trọng tài chỉ liên quan đến các vấn đề như lỗi chính tải, về số liệu có sự sai sót,… chứ không phải là thay đổi toàn bộ nội dung của phán quyết.
Một số lưu ý dành cho các doanh nghiệp khi tham gia giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Việc yêu cầu Hội đồng trọng tài sửa chữa phán quyết là một trong những quyền lợi chính đáng của các bên khi tham gia giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Tuy nhiên, để sửa chữa một phán quyết của trọng tài không phải điều dễ dàng, mà buộc phải tuân thủ theo trình tự nhất định.
Chính vì thế, một khi các doanh nghiệp trở thành nguyên đơn hay bị đơn trong một vụ tranh chấp giải quyết bằng trọng tài và có nhu cầu sửa chữa phán quyết trọng tài thì các doanh nghiệp phải đặc biệt lưu ý đến quy trình sửa chữa phán quyết trên. Nếu như quy trình bị thực hiện sai, việc sửa chữa phán quyết sẽ có thể không được tiến hành.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng.