Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Giáo dục ở Việt Nam luôn được ưu tiên, chú trọng phát triển hàng đầu hiện nay. Ngày càng nhiều doanh nghiệp giáo dục tư được mở ra với quy mô chất lượng đào tạo rất cao. Trong ngành này, Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và Pháp luật Việt Nam có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tiến hành đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Với mục đích hỗ trợ thủ tục pháp lý cho nhà đầu tư nước ngoài trong việc thành lập công ty giáo dục,chúng tôi xin tư vấn sơ bộ thủ tục như sau:

Cơ sở pháp lý

  • WTO, AFAS, AANZFTA;
  • Luật đầu tư năm 2020;
  • Luật doanh nghiệp năm 2020;
  • Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Điều kiện đầu tư theo các hiệp định quốc tế trong lĩnh vực giáo dục

Theo Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO

  • Chỉ cam kể trong các lĩnh vực kĩ thuật, khoa học tự nhiên và công nghệ, quản trị kinh doanh và khoa học kinh doanh, kinh tế học, kế toán, luật quốc tế và đào tạo ngôn ngữ
  • Phạm vi hoạt động: Giáo dục phổ thông, giáo dục bậc cao, giáo dục cho người lớn và dịch vụ giáo dục khác, bao gồm đào tạo ngoại ngữ
  • Chương trình đào tạo phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn.

Theo Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ – AFAS

  • Chỉ cam kết trong các lĩnh vực kĩ thuật, khoa học tự nhiên và công nghệ, quản trị kinh doanh và khoa học kinh doanh, kinh tế học, kế toán, luật quốc tế và đào tạo ngôn ngữ
  • Phạm vi hoạt động: GIáo dục tiểu học, giáo dục phổ thông, giáo dục bậc cao, giáo dục cho người lớn và dịch vụ giáo dục khác, bao gồm đào tạo ngoại ngữ
  • Chương trình đào tạo phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn

Theo Điều ước quốc t về hợp tác đầu tư giữa ASEAN với Australia/Nealand –  AANZFTA

  • Chỉ cam kết trong các lĩnh vực nông nghiệp, kiến trúc, đóng tàu (building), quản trị doanh nghiệp,quản lý, khoa học máy tính, xây dựng, hệ thống thông tin, dịch vụ nha khoa, kinh tế học, sư phạm, kĩ thuật, môi trường, khảo sát, dịch vụ cộng đồng, đất đai và tài nguyên biển, chăn nuôi, nghiên cứu ngôn ngữ, luật, nghiên cứu quy phạm pháp luật, khoa học đời sống, sản xuất, toán học, khoa học y tế, y học, giáo dục đa lĩnh vực, điều dưỡng, dược, khoa học vật lý, khoa học, dịch vụ, ẩm thực và du lịch, vận tải, khoa học thú y, nghệ thuật biểu diễn và thị giác.

Phạm vi hoạt động

  • Giáo dục phổ thông cơ sở (chỉ bao gồm: giáo dục trung học cao hơn và giáo dục trung học mang tính kĩ thuật và hướng nghiệp dành cho học sinh đã hoàn thành chương trình lớp 9 theo quy định của pháp luật Việt Nam)
  • Giáo dục bậc cao
  • Giáo dục cho người lớn và dịch vụ giáo dục khác (bao gồm đào tạo ngoại ngữ)
  • Chương trình đào tạo phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn

Điều kiện đầu tư nước ngoài kinh doanh giáo dục theo quy định pháp luật Việt Nam

Điều kiện về vốn đầu tư

  • Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục mầm non phải có suất đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất. Kế hoạch vốn đầu tư phải phù hợp với quy mô dự kiến của từng giai đoạn.
  • Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phổ thông phải có suất đầu tư ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất, nhưng không thấp hơn 50 tỷ đồng.
  • Dự án đầu tư thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn phải có suất đầu tư ít nhất là 20 triệu đồng/học viên (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất.
  • Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học phải có tổng số vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ đầu tư dự án thực hiện việc chứng minh khả năng tài chính theo quy định của Luật đầu tư. Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.
  • Dự án đầu tư xin thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải có vốn đầu tư tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 150 tỷ đồng.
  • Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% các mức quy định nêu các mục trên.

Cơ sở vật chất, thiết bị

Đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn

  • Có phòng học phù hợp về ánh sáng, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng giảng dạy;
  • Có diện tích dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 2,5 m2/người học đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn;
  • Có văn phòng của ban giám đốc, lãnh đạo, phòng giáo viên, thư viện và các phòng chức năng khác.

Đối với cơ sở giáo dục mầm non

  • Trường tập trung tại một địa điểm, có môi trường tốt. Diện tích mặt bằng xây dựng trường được xác định trên cơ sở số nhóm lóp, số trẻ với bình quân ít nhất 08 m2/trẻ đối với khu vực thành phố, thị xã và 12 m2/trẻ đối với khu vực nông thôn;
  • Có phòng học, phòng ngủ của trẻ và các phòng chức năng phù hợp về diện tích, ánh sáng, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng chăm sóc và giáo dục trẻ;
  • Có văn phòng nhà trường, phòng ban giám hiệu, phòng hành chính quản trị, phòng y tế, phòng bảo vệ, phòng dành cho nhân viên phù hợp về diện tích, trang thiết bị, đồ dùng phục vụ cho việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ;
  • Có hệ thống nước sạch, hệ thống thoát nước, phòng vệ sinh phù hợp, có thiết bị vệ sinh bảo đảm an toàn, sạch sẽ, đáp ứng mọi sinh hoạt của trường;
  • Có nhà bếp được tổ chức theo quy trình hoạt động một chiều với các thiết bị, đồ dùng phù hợp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nếu trường tổ chức nấu ăn cho trẻ;
  • Có sân chơi, tường bao quanh khu vực trường, có cổng trường với biển trường ghi rõ tên trường theo quy định tại Điều 29 Nghị định này;
  • Trong khu vực trường có cây xanh. Toàn bộ các thiết kế xây dựng và trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi của trường phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ.

Đối với cơ sở giáo dục phổ thông

  • Trường tập trung tại một địa điểm, có môi trường tốt. Diện tích mặt bằng xây dựng trường được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh và đặc điểm vùng miền, với mức bình quân ít nhất là 06 m2/học sinh đối với khu vực thành phố, thị xã và 10 m2/học sinh đối với khu vực nông thôn;
  • Có diện tích dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm mức bình quân ít nhất là 2,5 m2/học sinh;
  • Có văn phòng nhà trường, ban giám hiệu, phòng giáo viên, phòng họp phù hợp;
  • Có phòng học bộ môn (đối với trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông), thư viện, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng giảng dạy, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
  • Có phòng tập thể dục đa năng, phòng giáo dục nghệ thuật, phòng tin học, phòng hỗ trợ giáo dục học sinh tàn tật, khuyết tật học hòa nhập, phòng y tế học đường. Có nhà ăn, phòng nghỉ trưa nếu tổ chức học bán trú;
  • Có hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh phù hợp với quy mô của cơ sở giáo dục, bảo đảm các điều kiện về tiêu chuẩn theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
  • Có sân chơi, bãi tập, khu để xe với diện tích ít nhất bằng 30% tổng diện tích mặt bằng của trường. Có tường bao quanh khu vực trường, có cổng trường với biển trường ghi rõ tên trường theo quy định tại Điều 29 Nghị định này.

Đối với cơ sở giáo dục đại học và phân hiệu cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam:

  • Diện tích đất để xây dựng trường đạt bình quân ít nhất 25 m2/sinh viên tại thời điểm có quy mô đào tạo cao nhất trong kế hoạch phát triển nhà trường;
  • Diện tích xây nhà bình quân ít nhất là 09 m2/sinh viên, trong đó diện tích học tập ít nhất là 06 m2/sinh viên, diện tích nhà ở và sinh hoạt của sinh viên ít nhất là 03 m2/sinh viên;
  • Có đủ số giảng đường, phòng học, phòng chức năng phù hợp và đáp ứng yêu cầu đào tạo theo ngành và phương thức tổ chức đào tạo;
  • Có đủ phòng làm việc, khu hành chính và ban giám hiệu bảo đảm đáp ứng được cơ cấu tổ chức phòng, ban, khoa, bộ môn chuyên môn, bảo đảm diện tích ít nhất là 08 m2/người;
  • Có hội trường, thư viện, cơ sở thí nghiệm, thực tập, thực hành và các cơ sở vật chất khác đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo và hoạt động khoa học – công nghệ;
  • Có nhà ăn, các công trình xây dựng phục vụ hoạt động giải trí, thể thao, văn hóa và các công trình y tế, dịch vụ để phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, giảng viên và sinh viên;
  • Có khu công trình kỹ thuật, nhà để xe ô tô, xe máy, xe đạp.

Trường hợp đi thuê cơ sở vật chất

  • Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được phép thuê cơ sở vật chất ổn định theo chu kỳ thời gian ít nhất 05 năm và phải bảo đảm cơ sở vật chất đáp ứng quy định về cơ sở vật chất nêu trên.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng! Công ty

Luật Hồng Bàng./