Trong xã hội hiện nay, việc các bên có nhu cầu trao đổi, thực hiện các giao dịch phục vụ cho các nhu cầu trao đổi, làm ăn, buôn bán… ngày càng được đẩy mạnh thì nhu cầu được giao kết, thể hiện giao dịch dưới hình thức hợp đồng cũng trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, một vấn đề mà nhiều người thắc mắc khi giao kết, thực hiện hợp đồng là có bắt buộc phải gia hạn hợp đồng khi hợp đồng hết hạn, và phụ lục hợp đồng nên được ký kết như thế nào. Để giải quyết vấn đề này, trong phạm vi bài viết đội ngũ luật sư và chuyên viên Công Ty Luật Hồng Bàng sẽ đề cập đến vấn đề “Hợp đồng hết hạn có phải gia hạn không và quy định về phụ lục gia hạn hợp đồng”.
Hiện nay, trong quy định của pháp luật hiện hành, quy định chung về hợp đồng, phụ lục hợp đồng đang được quy định cụ thể tại Bộ luật dân sự năm 2015. Đồng thời việc quy định về các loại hợp đồng cụ thể sẽ được xác định theo nội dung trong các văn bản chuyên ngành khác như: Bộ luật lao động năm 2012, Luật thương mại năm 2005. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, hợp đồng hết hạn có phải gia hạn hay không?
Trước hết, hợp đồng, theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015, là văn bản thể hiện sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự trong quá trình tham gia giao dịch.
Hợp đồng được xác định là một trong những hình thức thể hiện việc thiết lập, giao kết và thực hiện giao dịch dân sự (Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015). Nội dung của hợp đồng thường do hai bên tham gia giao dịch tự thỏa thuận với nhau nhưng thường sẽ có các nội dung chủ yếu như: Thông tin của các bên tham gia giao dịch, đối tượng của hợp đồng, số lượng – chất lượng, giá – phương thức thanh toán, các thỏa thuận về thời hạn thực hiện hợp đồng, địa điểm cũng như phương thức thực hiện hợp đồng; nội dung về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng, Trách nhiệm khi xảy ra vi phạm hợp đồng và phương thức mà các bên lựa chọn khi giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng.
Khi một hợp đồng hết hạn, theo quy định của pháp luật, cụ thể tại Điều 422 Bộ luật dân sự năm 2015 thì đây là một trong những trường hợp chấm dứt hợp đồng, cụ thể là chấm dứt hợp đồng theo sự thỏa thuận giữa các bên. Bởi lẽ, cũng như hợp đồng, những nội dung trong hợp đồng là kết quả của sự thỏa thuận, sự thống nhất ý chí giữa các bên. Vì vậy, khi thời hạn của hợp đồng được đưa vào trong nội dung hợp đồng thì đó sẽ làm căn cứ chấm dứt hợp đồng theo quy định.
Có thể thấy, về mặt nguyên tắc, khi hợp đồng đã hết hạn thì hợp đồng này sẽ không còn giá trị để tiếp tục thực hiện, điều đó đồng nghĩa, không thể thực hiện việc gia hạn hợp đồng khi hợp đồng đã hết hạn. Bởi việc gia hạn hợp đồng là để nhằm mục đích để kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng, do vậy việc gia hạn hợp đồng chỉ được thực hiện khi hợp đồng còn thời hạn hoặc gần hết hạn.
Khi hợp đồng đã hết hạn, nếu các bên muốn tiếp tục hợp đồng thì chỉ có thể giao kết hợp đồng mới. Nội dung này cũng được khẳng định tại quy định về hợp đồng lao động, theo đó tại khoản 2 Điều 22 Bộ luật lao động năm 2012 có quy định, khi hợp đồng lao động hết hạn, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời gian 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, người sử dụng lao động và người lao động phải giao kết hợp đồng lao động mới, nếu không giao kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng lao động đã ký kết trước đó sẽ trở thành loại hợp đồng lao động khác để xác định quan hệ lao động này.
Qua phân tích ở trên, có thể xác định, khi hợp đồng đã hết hạn, không phân biệt là hợp đồng dân sự, hợp đồng lao động hay hợp đồng kinh tế thì đều không thể thực hiện việc gia hạn hợp đồng. Và trong các quy định chung trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật lao động năm 2012, Luật thương mại năm 2005… đều không có quy định nào quy định về việc gia hạn thời hạn thực hiện hợp đồng khi hợp đồng đã hết hạn. Ngoài ra, muốn gia hạn thời hạn hợp đồng thì chỉ có thể ký kết phụ lục hợp đồng, mà phụ lục hợp đồng là văn bản kèm theo hợp đồng chính, có hiệu lực phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng chính nên nếu hợp đồng chính đã hết hiệu lực, hết hạn thì không thể ký phụ lục hợp đồng.
Như vậy, trên các cơ sở trên có thể khẳng định, không thể gia hạn hợp đồng khi hợp đồng đã hết hạn. Còn trường hợp hợp đồng gần hết hạn, hoặc đang còn thời hạn, thì việc có muốn gia hạn hợp đồng hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí nguyện vọng của các bên. Bởi trong quy định chung về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2015, cũng như các văn bản pháp luật chuyên ngành khác như Bộ luật lao động năm 2012, Luật thương mại năm 2005…. không có quy định nào bắt buộc phải thực hiện gia hạn hợp đồng khi hợp đồng gần hết hạn.
Thứ hai, quy định về phụ lục gia hạn hợp đồng.
Mặc dù pháp luật về hợp đồng không bắt buộc các bên phải thực hiện việc gia hạn hợp đồng (gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng) nhưng nếu các bên có nguyện vọng và cùng thỏa thuận về việc gia hạn hợp đồng thì các bên có thể gia hạn hợp đồng thông qua việc ký kết phụ lục hợp đồng.
Phụ lục hợp đồng, theo quy định tại Điều 403 Bộ luật Dân sự năm 2015, được hiểu là văn bản kèm theo hợp đồng chính, được dùng để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng sẽ có hiệu lực giống như hợp đồng chính đã được giao kết.
Phụ lục hợp đồng sẽ có nội dung phù hợp với nội dung của hợp đồng chính đã giao kết. Trường hợp trong nội dung phụ lục hợp đồng trái với nội dung hợp đồng chính đã giao kết thì nội dung điều khoản này sẽ không có hiệu lực pháp lý, trừ trường hợp các bên chấp thuận nội dung này thì điều khoản này được coi là trường hợp phụ lục hợp đồng sửa đổi bổ sung hợp đồng chính.
Hiện nay, đối với vấn đề về phụ lục gia hạn hợp đồng, trong quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 chỉ quy định chung về phụ lục hợp đồng mà không có khái niệm hay quy định riêng về phụ lục gia hạn hợp đồng, nhưng có thể hiểu, phụ lục gia hạn hợp đồng, là văn bản phụ lục có nội dung nhằm kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng thêm một thời gian theo sự thỏa thuận của các bên.
Việc ký phụ lục hợp đồng nhằm gia hạn hợp đồng hoàn toàn dựa trên nội dung thỏa thuận của hai bên khi hợp đồng gần hết hạn. Tuy nhiên, đối với một số loại hợp đồng cụ thể thì việc quy định phụ lục hợp đồng nói chung và phụ lục hợp đồng nhằm gia hạn hợp đồng nói riêng cũng có những quy định riêng nhất định. Cụ thể:
Trong hợp đồng lao động, phụ lục hợp đồng cũng được xác định là một bộ phận của hợp đồng lao động, có hiệu lực như hợp đồng lao động. Phụ lục hợp đồng lao động có thể dùng để quy định chi tiết thêm một số điều khoản được quy định trong hợp đồng chính hoặc dùng để sửa đổi, bổ sung thêm một số nội dung của hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, đối với việc ký kết phụ lục hợp đồng nhằm gia hạn thời hạn hợp đồng lao động thì tại Điều 5 Nghị định 05/2015/NĐ-CP có quy định chỉ được sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động. Đồng thời việc ký phụ lục hợp đồng này không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết. Tuy nhiên quy định này là ngoại lệ, không áp dụng đối với trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong thời gian nhiệm kỳ.
Còn đối với các loại hợp đồng khác như hợp đồng kinh tế, hợp đồng cộng tác… pháp luật không có quy định riêng về việc ký phụ lục hợp đồng nhằm gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng.
Như vậy, như đã phân tích, không thể gia hạn hợp đồng sau khi hợp đồng đã giao kết hết hạn mà chỉ có thể gia hạn hợp đồng khi hợp đồng còn hạn. Đồng thời việc thực hiện ký phụ lục hợp đồng đều dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Mr Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 24/7: 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./