Việt Nam luôn được đánh giá cao ở nền chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiềm năng, chi phí cạnh tranh, vị trí địa lý thuận lợi và nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực – gần đây nhất là Hiệp định với EU (EVFTA) – cũng góp phần làm nên tính hấp dẫn của môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam. Vậy, việc chuyển vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam được pháp luật quy định như thế nào? Hãy cùng Luật Hồng Bàng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Căn cứ pháp lý
– Luật Đầu tư năm 2020.
– Thông tư 06/2019/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
– Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
– Thông tư 02/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Các hình thức đầu tư trực tiếp vào Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài
Nếu Luật Đầu tư năm 2014 quy định 4 hình thức đầu tư, bao gồm: đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế, đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP, đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC thì Luật Đầu tư năm 2020 bổ sung thêm các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ vào quy định hình thức đầu tư tại Điều 21. Như vậy, các hình thức đầu tư trực tiếp vào Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài từ ngày 01/01/2021 gồm có:
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
- Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
- Thực hiện dự án đầu tư.
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
- Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp
Đối tượng mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm:
- Doanh nghiệp được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
- Doanh nghiệp không thuộc trường hợp trên có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp, bao gồm:
- Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp (hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc không có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài) dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp được thành lập sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp được thành lập mới theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
- Nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC, nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP trong trường hợp không thành lập doanh nghiệp dự án (sau đây gọi là nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP).
Yêu cầu về mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp
- Phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ tại 01 (một) ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi hợp pháp bằng ngoại tệ liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam;
- Tương ứng với loại ngoại tệ thực hiện góp vốn đầu tư, chỉ được mở 01 (một) tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng loại ngoại tệ đó tại 01 (một) ngân hàng được phép;
- Trường hợp thực hiện đầu tư bằng đồng Việt Nam, được mở 01 (một) tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng được phép nơi đã mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ để thực hiện các giao dịch thu, chi hợp pháp bằng đồng Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam;
- Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hợp đồng BCC hoặc trực tiếp thực hiện nhiều dự án PPP, nhà đầu tư nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp riêng biệt tương ứng với mỗi hợp đồng BCC, dự án PPP.
Hồ sơ mở tài khoản thanh toán
- Giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán kèm bản đăng ký mẫu dấu, mẫu chữ ký (theo Phụ lục số 01 và Phụ lục số 02 đính kèm Thông tư ) do người đại diện hợp pháp của tổ chức mở tài khoản ký tên, đóng dấu;
- Các giấy tờ chứng minh tổ chức mở tài khoản thanh toán được thành lập và hoạt động hợp pháp, gồm: điều lệ, quyết định thành lập, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư;
- Các giấy tờ chứng minh tư cách đại diện hợp pháp của người đại diện hợp pháp của tổ chức mở tài khoản thanh toán và thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người đó;
- Văn bản hoặc quyết định bổ nhiệm và thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán, người kiểm soát chứng từ giao dịch với Ngân hàng Nhà nước.
Lưu ý: Các giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán mục (ii), (iii), (iv) là bản chính hoặc bản sao. Nếu giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt và được công chứng theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ nêu trên sẽ được gửi đến Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố) nơi đề nghị mở tài khoản thanh toán và được giải quyết trong vòng 01 ngày làm việc.
Chuyển tiền thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư
Khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, Giấy phép thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, ký kết hợp đồng PPP, nhà đầu tư nước ngoài được phép chuyển tiền từ nước ngoài hoặc từ tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài đó mở tại ngân hàng được phép tại Việt Nam trước đó để thanh toán các chi phí hợp pháp trong giai đoạn thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam như:
- Chuyển một phần hoặc toàn bộ thành vốn góp;
- Chuyển một phần hoặc toàn bộ thành vốn vay nước ngoài của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trường hợp chuyển thành khoản vay nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tuân thủ quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp. Thời hạn của khoản vay nước ngoài được tính từ ngày dự án được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy phép thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, ký kết hợp đồng PPP hoặc ngày mà các bên ký thỏa thuận vay nước ngoài (tùy thuộc vào ngày nào đến sau) đến ngày trả nợ cuối cùng;
- Chuyển trả cho nhà đầu tư nước ngoài bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam số tiền đã chuyển vào Việt Nam để thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư sau khi đã trừ đi các chi phí hợp pháp liên quan đến hoạt động chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam.
Trong trường hợp không được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, Giấy phép thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, ký kết hợp đồng PPP hoặc không tiếp tục thực hiện dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài số tiền còn lại bằng ngoại tệ hoặc được mua ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài đối với số tiền đã chuyển vào Việt Nam và tiền lãi phát sinh (nếu có) sau khi trừ đi các chi phí hợp pháp liên quan đến hoạt động chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.