Khi tham gia giao dịch mua bán, cung ứng hàng hóa cho doanh nghiệp chế xuất thì cá nhân, tổ chức cần phải nắm rõ quy định pháp luật liên quan đến việc xuất hóa đơn cho doanh nghiệp này. Tuy nhiên, việc xuất hóa đơn cho doanh nghiệp chế xuất là không hề đơn giản trên thực tế. Hãy cùng Luật Hồng Bàng tìm hiểu qua bài viết sau!
Căn cứ pháp lý
- Nghị định 35/2022/NĐ-CP
Doanh nghiệp chế xuất là loại doanh nghiệp gì?
Theo khoản 20, 21 Điều 2 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp thực hiện hoạt động chế xuất trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế.
Trong đó, hoạt động chế xuất là hoạt động chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu.
Khu vực hoạt động của doanh nghiệp chế xuất được quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 35/2022/NĐ-CP như sau:
- Trong khu công nghiệp có thể có các phân khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp chế xuất.
- Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, phân khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp chế xuất được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng:
- Hệ thống tường rào, có cổng và cửa ra, vào;
- Bảo đảm điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan theo quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Quy định về hóa đơn sử dụng khi bán hàng cho doanh nghiệp chế xuất
Căn cứ vào điểm c, d, khoản 1, điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, có quy định:
“Điều 8. Loại hóa đơn
Hóa đơn quy định tại Nghị định này gồm các loại sau:
1. Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động:
a) Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
b) Hoạt động vận tải quốc tế;
c) Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
d) Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.”
Như vậy, Khi có nghiệp vụ cung cấp hàng hóa, dịch vụ vào khu phi thuế quan, doanh nghiệp bắt buộc phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho phần doanh thu này.
Xuất hóa đơn cho doanh nghiệp chế xuất như thế nào?
Khoản 1 Điều 1 Nghị định 114/2015/NĐ-CP có quy định về khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất như sau:
“1. Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được áp dụng quy định đối với khu phi thuế quan trừ ưu đãi riêng đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu. Doanh nghiệp chế xuất được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trong văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền trong trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.”
Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc xuất hóa đơn hàng xuất khẩu sẽ được áp dụng trong 2 trường hợp sau:
- Xuất hóa đơn hàng xuất khẩu ra khỏi Việt Nam
- Xuất hóa đơn cho doanh nghiệp chế xuất
Khi xuất hóa đơn hàng xuất khẩu cho doanh nghiệp chế xuất, kế toán lưu ý một số tiêu thức như sau:
- Tên người xuất khẩu/gửi hàng: Ghi đầy đủ họ tên và địa chỉ, quốc gia xuất khẩu.
- Tên người nhập khẩu/nhận hàng: Ghi tên công ty, địa chỉ và thông tin liên hệ (số điện thoại).
- Số hóa đơn, ngày phát hành: Bắt buộc phải ghi đầy đủ để làm thủ tục hải quan.
- Mô tả chi tiết sản phẩm: Ghi tên thông thường của sản phẩm, cấp hạng hoặc chất lượng, mã hiệu, số hiệu và ký hiệu hàng hóa khi lưu thông trên thị trường nội địa nước xuất khẩu.
- Số lượng kiện: Ghi tổng số lượng kiện của lô hàng.
- Ghi giá của từng mặt hàng và loại tiền sử dụng.
- Phương thức vận chuyển: Đường không hoặc đường biển.
- Điều khoản giao hàng: Ghi rõ theo bản Incoterm nào (ví dụ 2000 hoặc 2010,…).
- Điều khoản thanh toán: Ghi TT, TTR, LC, No Payment và ghi đồng tiền thanh toán như USD, EUR, JPY,…
- Các thông tin khác: Ghi rõ các khoản nư cước phí vận tải, chi phí bao bì, đóng gói,…
Lưu ý: Về nội dung tiền tệ trên hóa đơn đầu ra xuất khẩu:
Theo Điểm e, Khoản 2, Điều 16, Thông tư 39/2014/TT-BTC, quy định về tiền tệ trên hóa đơn GTGT xuất khẩu như sau:
- Tổng số tiền thanh toán: Ghi bằng nguyên tệ.
- Mục số tiền bằng chữ: Ghi bằng tiếng Việt.
- Tỷ giá: Ghi tỷ giá ngoại tệ theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm lập hóa đơn.
- Nếu đồng ngoại tệ không có tỷ giá với đồng Việt Nam thì ghi tỷ giá chéo với một loại ngoại tệ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
Thời điểm xuất hóa đơn hàng xuất khẩu cho doanh nghiệp chế xuất
Đầu tiên, chúng ta cần xác định được thời gian lập hóa đơn điện tử để ghi nhận doanh thu hàng xuất khẩu. Tiếp theo đó, Tổng Cục Hải Quan có hướng dẫn như sau:
“2. Thời điểm phát hành hóa đơn điện tử đối với hàng xuất khẩu theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020.
Theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 3 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ thì cơ sở lập hóa đơn GTGT cho hàng hóa xuất khẩu là sau khi hàng hóa đã thực xuất khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu và sau khi làm xong thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu đối với người khai hải quan kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
Theo quy định trên thì thời điểm phát hành hóa đơn GTGT đối với hàng xuất khẩu là sau khi người khai hải quan hoàn thành thủ tục hải quan xuất khẩu. Do đó, tại thời điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu người khai hải quan chưa thể phát hành hóa đơn GTGT để nộp trong bộ hồ sơ hải quan.”
Như vậy, ngày lập (ngày phát hành) hóa đơn điện tử hàng xuất khẩu phải trùng với ngày ghi trên tờ khai hải quan (ngày thông quan). Khi thực hiện thủ tục lập hóa đơn điện tử hàng xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ dùng hóa đơn này để kê khai thuế. Cơ quan hải quan chỉ dùng hóa đơn thương mại để tiến hành các thủ tục hải quan.
Quy định về mức thuế suất thuế giá trị gia tăng khi xuất hóa đơn cho doanh nghiệp chế xuất
Thuế suất thuế giá trị gia tăng khi bán hàng vào khu chế xuất được quy định tại Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC Hướng dẫn thi hành luật thuế giá trị gia tăng như sau:
Các trường hợp được hưởng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 0%
- Áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
- Hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan.
- Vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% theo quy định.
- Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam.
- Bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan.
- Hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Thủ tục hải quan để được hưởng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 0%
Để hưởng thuế xuất VAT 0% phải làm thủ tục hải quan:
Tờ khai hải quan đối với các loại hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra hoặc giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Đối với các cơ sở kinh doanh xuất khẩu sản phẩm về phần mềm dưới các hình thức tài liệu, hồ sơ, cơ sở dữ liệu để đóng gói cứng sẽ được khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, các cơ sở kinh doanh sẽ phải đảm bảo thủ tục về tờ khai hải quan như đối với hàng hóa thông thường.
Riêng các trường hợp sau đây sẽ không cần tờ khai hải quan:
- Đối với các cơ sở kinh doanh xuất khẩu dịch vụ, các phần mềm qua phương tiện điện tử thì không cần có tờ khai hải quan. Các cơ sở kinh doanh sẽ phải thực hiện đầy đủ các quy định về thủ tục xác nhận bên mua đã nhận được dịch vụ và phần mềm xuất khẩu qua phương tiện điện tử theo đúng quy định của pháp luật về thương mại điện tử.
- Hoạt động xây dựng hoặc lắp đặt công trình ở nước ngoài hoặc ở trong các khu phi thuế quan.
- Các cơ sở kinh doanh cung cấp điện, nước, văn phòng phẩm và các loại hàng hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày của doanh nghiệp chế xuất bao gồm: lương thực và thực phẩm, hàng tiêu dùng sinh hoạt (bao gồm cả các đồ bảo hộ lao động như: quần, áo, mũ, giầy, ủng hay găng tay).
Do đó, để được hưởng thuế suất thuế GTGT 0% thì khi cung cấp hàng hóa cho doanh nghiệp thuộc khu chế xuất thì cần phải thực hiện tờ khai hải quan.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.