Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Để có thể tiến hành hoạt động, doanh nghiệp cần nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó quan trọng vẫn là nguồn vốn. Do đó, sau khi thành lập công ty, ngoài việc tiến hành sản xuất kinh doanh, khi cần thiết, chủ sở hữu cần phải kêu gọi các nguồn vốn đầu tư khác nhau từ bên ngoài. Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty.

I.Các hình thức góp vốn vào Doanh nghiệp

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2014: “Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam”.

Có thể thấy, quy định này mở ra một khoảng rộng cho các bên tự do thỏa thuận xác định những loại tài sản khác được góp vốn… Các bên cùng nhau tham gia thành lập công ty có thể góp vốn dưới các hình thức: góp bằng tài sản, góp bằng tri thức hoặc hoạt động hay công việc.

1.Góp vốn bằng tài sản.

Về nguyên tắc, mọi tài sản có thể đem góp làm vốn của công ty, như góp vốn tiền mặt, góp vốn bằng hiện vật hay góp vốn bằng quyền. Để có thể góp vốn vào công ty, các loại tài sản này phải đáp ứng đủ điều kiện là có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự một cách hợp pháp, bởi bản thân góp vốn đã là một hành vi chuyển giao tài sản, do đó phải tuân thủ những quy tắc chung có liên quan đến việc chuyển giao tài sản. Trong đó:

Tiền mặt có thể được góp dưới dạng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi.

Hiện vật có thể được góp dưới dạng bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc động sản không phải đăng ký quyền sở hữu. Trong các loại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, vàng là loại tài sản thường được sử dụng nhiều nhất.

Việc góp vốn bằng quyền được thể hiện dưới một số dạng như: quyền sở hữu trí tuệ, quyền hưởng dụng hay sản nghiệp thương mại. Trong đó:

+ Quyền sở hữu theo Luật sở hữu trí tuệ bao gồm quyền sở hữu công nghiệp (bao gồm: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh…), quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng…;

+ Quyền hưởng dụng, khác với góp vốn bằng tài sản, người ta có thể góp vốn bằng quyền hưởng dụng tài sản. Theo đó, người góp vốn vào công ty chỉ cho công ty được quyền dùng vật và thu lợi từ đó, công ty không có quyền định đoạt đối với số phận của vật. Hình thức này có những đặc điểm giống với cho thuê tài sản.

+ Sản nghiệp thương mại bao gồm cả yếu tố hữu hình (như hệ thống cửa hàng, hàng hóa, máy móc, xe cộ cũng như các vật dụng khác) và yếu tố vô hình (như mạng lưới khách hàng, mạng lưới cung ứng dịch vụ, thương hiệu…)

2.Góp vốn bằng tri thức.

Góp vốn bằng tri thức có thể được hiểu là góp vốn bằng chính khả năng của cá nhân như khả năng nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu thị trường, chế tác, tổ chức sản xuất, kinh doanh, các phản ứng nhạy bén với thị trường…

Người góp vốn bằng tri thức phải đảm bảo rằng mang tri thức của mình ra phục vụ một cách mẫn cán và trung thực cho lợi ích của công ty, hay còn gọi là cho trái chủ là công ty do chính người đó cam kết lập ra. Tuy nhiên việc góp vốn bằng tri thức sẽ mang lại khó khăn trên nhiều phương diện như: tính trị giá phần vốn góp để chia sẻ quyền lợi công ty, chứng minh sự vi phạm nghĩa vụ của người góp vốn. Sự tin tưởng lẫn nhau, hợp tác với nhau có lẽ là một yêu cầu có tính thiết yếu trong nền kinh tế hậu công nghiệp và kinh tế tri thức như hiện nay.

3.Góp vốn bằng hoạt động hay công việc.

Việc góp vốn bằng hoạt động hay công việc là việc cam kết thực hiện những hành vi cụ thể có thể trị giá được bằng tiền. Ví dụ như người thợ gốm lành nghề có thể dùng khả năng và công sức của mình làm vốn góp ban đầu vào công ty, hay như một ca sĩ có thể dùng hành động biểu diễn ca nhạc để thu lợi về cho công ty và qua đó hưởng lợi nhuận.

Cũng giống với việc góp vốn bằng tri thức, việc góp vốn bằng sức lao động khiến người góp vốn bị tràng buộc vào nghĩa vụ mẫn cán và trung thực.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Mr. Nhật Nam qua  hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua emaillienheluathongbang@gmail.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

Công ty Luật Hồng Bàng./.