Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Trong xã hội có rất nhiều cặp vợ chồng không thể mang thai và sinh con dù đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Xuất phát từ mục đích nhân đạo, nhà nước đã có quy định về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Trong trường hợp nhờ người khác mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, người mẹ nhờ mang thai hộ có được hưởng chế độ thai sản hay không? Chế độ thai sản này có gì khác biệt không? Đây là thắc mắc của rất nhiều người, để giúp quý khách hiểu thêm về quy định của pháp luật bảo hiểm về chế độ thai sản cho lao động nữ nhờ mang thai hộ, Luật Hồng Bàng xin gửi tới quý khách hàng tư vấn về quy định của pháp luật.

1.Căn cứ pháp luật

  • Luật bảo hiểm xã hội năm 2014;
  • Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc; 
  • Quyết định 636/QĐ-BHXH về việc ban hành quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm;
  • Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc

2. Điều kiện hưởng chế độ thai sản cho lao động nữ mang thai hộ

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 115/2015/NĐ-CP và Khoản 1, Khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 điều kiện để lao động nữ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản là đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con. 

3. Chế độ thai sản cho lao động nữ nhờ mang thai hộ

Căn cứ tại điều 4 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì chế độ thai sản cho lao động nữ nhờ mang thai hộ được quy định như sau:

Chế độ thai sản đối với người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Người mẹ nhờ mang thai hộ đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con thì được hưởng các chế độ sau:

a) Trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh con trong trường hợp lao động nữ mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không đủ điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Nghị định này;

Trường hợp lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không đủ điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Nghị định này thì người chồng đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau, thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con.

b) Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ thêm 01 tháng;

Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ không nghỉ việc thì ngoài tiền lương vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

c) Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ chết hoặc gặp rủi ro mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền khi con chưa đủ 06 tháng tuổi thì người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định tại Điểm b Khoản này;

d) Trường hợp người cha nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng quy định tại Điểm c Khoản này đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định tại Điểm b Khoản này;

đ) Trường hợp sau khi sinh con, nếu con chưa đủ 06 tháng tuổi bị chết thì người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Khoản 3 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội.

2. Mức hưởng chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật Bảo hiểm xã hội và được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ.

3. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, thời gian này người mẹ nhờ mang thai hộ và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm nhận con thì thời gian hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội”

4. Mức tiền được hưởng

  •  Mức hưởng chế độ sinh con = {( Mbq6 ) / 30 ngày} x 100% x Số ngày nghỉ

Trong đó: Mbq6t : Mức bình quân tiền lương đóng BHXH 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc

  • Mức hưởng trợ cấp một lần = 2 tháng lương cơ sở.

5. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản

  • Mẫu C70a-HD theo quyết định 636/QĐ-BHXH;
  • Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con trừ trường hợp con chết mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
  • Bản Thỏa thuận về mang thai hộ vì Mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; văn bản xác nhận thời Điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ;
  • Trường hợp con chưa đủ 06 tháng tuổi bị chết: Giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử;
  • Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ chết: Giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử;
  • Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ nhờ mang thai hộ không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con (mẫu và thẩm quyền cấp theo quy định của Bộ Y tế).

Trên đây là những ý kiến tư vấn về vấn đề mà quý khách hàng quan tâm.

MỌI THẮC MẮC QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN CHI TIẾT:

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG

Điện thoại: 0912 35 65 75 – 0968 35 65 75 (Luật sư Nhật Nam)

Tổng đài tư vấn trực tuyến: 1900 6575

Email: Lienheluathongbang@gmail.com