Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Hiện nay, vấn đề ngoại tình đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, có người còn ngang nhiên chung sống như vợ chồng với người đã có gia đình. Đây là một việc làm đi ngược lại với giá trị đạo đức vốn có lâu đời của người Việt Nam. Ngoài việc, những người đó bị chê trách về mặt đạo đức thì họ còn phải gánh chịu những hậu quả pháp lý như thế nào? Đây là câu hỏi mà chúng tôi nhận được rất nhiều trong thời gian gần đây. Sau đây Luật Hồng Bàng xin gửi tới quý khách hàng tư vấn về trách nhiệm pháp lý của người đang có gia đình mà sống chung như vợ chồng với người khác.

1.Chung sống như vợ chồng được hiểu như thế nào? 

Căn cứ tại khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”. Như vậy, việc chung sống như vợ chồng thường được thể hiện bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó. 

Việc ngoại tình chỉ được coi là chung sống như vợ chồng nếu hai người đó cùng sinh hoạt với nhau dưới một mái nhà, được nhiều người biết được và chứng kiến. 

Việc chung sống như vợ chồng bị pháp luật cấm nếu thuộc trường hợp theo điểm c, d điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

  • Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ
  • Chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Còn với nam, nữ độc thân thì pháp luật không cấm họ chung sống như vợ chồng. 

2.  Trách nhiệm pháp lý khi chung sống với người khác trong thời kỳ hôn nhân?

2.1. Trách nhiệm hành chính

Căn cứ tại khoản 1 và khoản 2 Điều 59 nghị định 82/2020/NĐ-CP thì trách nhiệm pháp lý đối với những người  chung sống với người đang có vợ hoặc chồng, hoặc người đã có vợ hoặc chồng mà chung sống với người khác được quy định như sau

Phạt tiền 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu thuộc trường hợp sau:

  • Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
  • Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
  • Chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

Phạt tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu thuộc các trường hợp sau:

  • Chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
  • Chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;

2.2. Trách nhiệm hình sự

Ngoài việc phải chịu phạt hành chính, thì người đang chung sống với người có vợ hoặc chồng, người đang có vợ hoặc chồng mà chung sống với người khác còn phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 181 Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng Bộ luật hình sự. 

Theo khoản 1 điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Vi phạm chế độ một vợ, một chồng” quy định: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm, nếu thuộc một trong hai trường hợp.

Trường hợp thứ nhất, làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn. Đây là điều kiện bắt buộc quy định về hậu quả xảy ra từ hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng, cụ thể là dẫn đến ly hôn, tan vỡ gia đình của một bên hoặc cả hai bên. Ly hôn được hiểu là đã ly hôn tại cơ quan Tòa án có thẩm quyền, đã có Quyết định hoặc Bản án có hiệu lực pháp luật về việc chấm dứt mối quan hệ vợ chồng của người có yêu cầu ly hôn. Nếu hành vi chung sống như vợ chồng với người khác chỉ dẫn đến hậu quả gây mất hạnh phúc gia đình, dẫn đến vợ chồng ly thân mà chưa ly hôn thì chưa đủ điều kiện xử lý hình sự.

Trường hợp thứ hai là đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Cụ thể, hành vi chung sống như vợ chồng với người khác trước đó đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 48, Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP) mà vẫn tái phạm hành vi chung sống như vợ chồng với người khác thì đủ điều kiện áp dụng Điều 1, Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nếu người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ mà chưa bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì chưa cấu thành tội phạm, chưa đủ điều kiện áp dụng Điều 1, Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Khoản 2 Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu phạm tội thuộc một trong hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất, làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát. Đây cũng là điều kiện bắt buộc quy định về hậu quả xảy ra từ hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng, là hậu quả nghiêm trọng gây ra tổn thương nặng nề về tâm lý, tình cảm của thành viên trong gia đình có người vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Con của một trong hai bên được hiểu là con hình thành trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp của bên đó, kể cả con nuôi theo quy định đã có Quyết định công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như UBND cấp xã, phường, thị trấn. Việc tự sát không cần phải gây ra hậu quả chết người, có thể tự sát nhưng không thành, tự sát nhưng được người khác phát hiện ra sớm và cứu sống… cũng vẫn đủ điều kiện là tình tiết định khung để xử lý hình sự theo điểm a khoản 2 Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trường hợp thứ hai, đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.  Quy định này đưa ra để xử lý đối với các trường hợp nam nữ có hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng, đã có quyết định can thiệp của Tòa án bằng Quyết định hoặc Bản án dân sự hoặc hình sự có hiệu lực pháp luật về việc chấm dứt mối quan hệ vợ chồng trái pháp luật mà vẫn không chấp hành, vẫn cố ý duy trì mối quan hệ bất hợp pháp đó.

Trên đây là những ý kiến tư vấn về vấn đề mà quý khách hàng quan tâm.

MỌI THẮC MẮC QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN CHI TIẾT:

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG

Điện thoại: 0912 35 65 75 – 0968 35 65 75 (Luật sư Nhật Nam)

Tổng đài tư vấn trực tuyến: 1900 6575

Email: Lienheluathongbang@gmail.com