Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Đăng ký sáng chế là công việc cần thiết phải làm để sáng chế của một người nhận được sự bảo hộ của pháp luật. Vậy những trình tự thủ tục nào cần phải thực hiện khi đăng ký sáng chế. Ngay sau đây, Công ty Luật Hồng Bàng sẽ đưa ra các thông tin chi tiết để bạn đọc nắm được cặn kẽ các quy định của pháp luật về việc đăng ký sáng chế.

Như thế nào là sáng chế?

Dưới góc nhìn của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), sáng chế được hiểu là một độc quyền được cấp cho một giải pháp/phát hiện là sản phẩm hoặc quy trình, tạo ra một cách thức mới để thực hiện một điều gì đó hoặc đưa ra một giải pháp kỹ thuật mới cho một vấn đề.

Những tiêu chí, điều kiện bảo hộ sáng chế là gì?

Điều kiện chung

Theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, những sáng chế được bảo hộ bằng việc cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu như đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

        Có tính mới;

        Có trình độ sáng tạo;

        Có khả năng áp dụng công nghiệp

Những sáng chế được bảo hộ bằng việc cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

        Có tính mới;

        Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Những đối tượng thuộc diện không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế

 Các đối tượng thuộc diện không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế bao gồm:

  1. Những phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;
  2. Kế hoạch, sơ đồ, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;
  3. Cách thức thể hiện thông tin;
  4. Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;
  5. Giống thực vật, động vật;
  6. Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học nhưng lại không phải quy trình vi sinh;
  7. Các phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.

Đơn đăng ký bảo hộ sáng chế

Đơn đăng ký bảo hộ sáng chế phải bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Tờ khai đăng ký (theo mẫu ban hành có sẵn);

b) Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện sáng chế đăng ký bảo hộ bao gồm: bản mô tả sáng chế, bản tóm tắt sáng chế. Bản mô tả sáng chế lại gồm có phần mô tả sáng chế và phạm vi bảo hộ sáng chế.

        Phần mô tả sáng chế phải thể hiện đầy đủ các nội dung:

  •       Đầy đủ và rõ ràng bản chất của sáng chế đến mức mà căn cứ vào đó, một người có hiểu biết ở mức độ trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng cũng có thể thực hiện được sáng chế đó;
  •       Trong trường hợp cần làm rõ thêm bản chất của sáng chế thì phải giải thích vắn tắt hình ảnh kèm theo;
  •       Làm rõ trình độ sáng tạo, tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế

        Bản tóm tắt của sáng chế phải tóm lược những nội dung cơ bản, chủ yếu về bản chất của sáng chế.

        Phải thể hiện phạm vi bảo hộ sáng chế dưới dạng tập hợp các dấu hiệu kỹ thuật cần và đủ phục vụ cho việc xác định phạm vi quyền đối với sáng chế và phải phù hợp với phần mô tả sáng chế và hình vẽ.

c) Nếu đơn được thực hiện nộp thông qua đại diện thì cần có giấy ủy quyền;

d) Nếu đối tượng nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác thì cần có t ài liệu chứng minh quyền đăng ký,

đ) Các tài liệu chứng minh quyền ưu tiên trong trường hợp có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;

e) Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Thủ tục xử lý đơn đăng ký bảo hộ sáng chế

Theo Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, đơn đăng ký bảo hộ sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ xử lý theo trình tự, thủ tục sau đây:

Bước 1: Tiếp nhận đơn;

Bước 2: Thẩm định hình thức đơn;

Bước 3: Công bố đơn hợp lệ;

Bước 4: Thẩm định nội dung đơn;

Bước 5: Cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ;

Bước 6: Đăng bạ và thực hiện công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ.

Nộp và tiếp nhận đơn

Người nộp đơn có thể tiến hành nộp đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc tại các cơ quan tiếp nhận đơn khác do Cục Sở hữu trí tuệ thiết lập. Người nộp đơn cũng có thể chọn gửi qua đường bưu điện tới các địa điểm tiếp nhận đơn nói trên.

Khi nhận được đơn, Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện việc kiểm tra tài liệu đơn và đối chiếu với danh mục tài liệu ghi trong tờ khai để xem xét, kết luận có đồng ý tiếp nhận đơn hay không.

        Trường hợp đơn có đủ các tài liệu tối thiểu theo quy định của pháp luật thì cán bộ nhận thực hiện việc đơn tiếp nhận đơn và đóng dấu xác nhận ngày nộp đơn, số đơn vào các tờ khai;

        Trường hợp đơn thiếu một trong các tài liệu tối thiểu theo quy định pháp luật thì cán bộ nhận đơn từ chối tiếp nhận đơn hoặc gửi thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ từ chối tiếp nhận đơn cho đối tượng nộp đơn (đối với đơn được nộp qua đường bưu điện). Đối với đơn bị từ chối tiếp nhận, Cục Sở hữu trí tuệ phải hoàn trả các khoản phí, lệ phí đã nộp theo thủ tục hoàn trả phí, lệ phí.

        Trong trường hợp đơn được tiếp nhận, Cục Sở hữu trí tuệ gửi một bản tờ khai cho đối tượng nộp đơn trong đó có đóng dấu xác nhận ngày nộp đơn, số đơn và kết quả kiểm tra danh mục tài liệu đơn có ghi rõ họ tên, chữ ký của cán bộ nhận đơn. Tờ khai được gửi lại nói trên có giá trị thay giấy biên nhận đơn.

Thẩm định hình thức đơn

Thẩm định hình thức đơn là việc rà soát, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về hình thức đối với đơn, từ đó xem xét và đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không.

Đơn được kết luận là hợp lệ sẽ được xem xét tiếp. Đơn bị kết luận là không hợp lệ sẽ bị từ chối.

* Lưu ý: Thời hạn thẩm định hình thức là một tháng kể từ khi nộp đơn

Công bố đơn hợp lệ

Mọi đơn đã được xem xét hợp lệ đều phải được Cục Sở hữu trí tuệ công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Người nộp đơn có nghĩa vụ nộp lệ phí công bố đơn.

* Lưu ý: Mọi cá nhân, tổ chức đều có thể tiếp cận các thông tin chi tiết về bản chất đối tượng ghi nhận trong đơn được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp hoặc yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện cung cấp các thông tin đó và phải nộp phí cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật.

Thẩm định nội dung đơn

Việc thẩm định nội dung đơn là để phục vụ cho việc đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng được ghi nhận trong đơn theo các tiêu chí, điều kiện bảo hộ, xác định phạm vi (khối lượng) bảo hộ tương ứng.

* Các nội dung được thẩm định bao gồm:

(i) Đánh giá mức độ phù hợp của đối tượng nêu trong đơn so với loại văn bằng bảo hộ yêu cầu được cấp;

(ii) Đánh giá đối tượng theo từng tiêu chí, điều kiện bảo hộ;

(iii) Kiểm tra các nguyên tắc nộp đơn đầu tiên.

* Thời hạn thẩm định nội dung đơn bao lâu?

Mười hai tháng đối với đơn đăng ký sáng chế kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung (trong trường hợp yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn) hoặc kể từ ngày công bố đơn (trong trường hợp yêu cầu đó được nộp trước ngày công bố đơn);

Trên đây là toàn bộ bài viết của chúng tôi về Đăng ký sáng chế. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như tiếp cận dịch vụ của chúng tôi, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các hình thức sau:

Liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75;
Gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật 1900.6575;
Gửi thư yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!