Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu thuê đất tại Việt Nam để đầu tư ngày càng có nhu cầu gia tăng, thuê đất được lựa chọn là hình thức phổ biến ở các doanh nghiệp này. Vậy ngoài hình thức này thì quy định pháp luật về các hình thức sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như thế nào? Pháp luật quy định điều kiện để doanh nghiệp nước ngoài thuê đất tại Việt Nam là gì?

Căn cứ pháp lý

  • Luật đầu tư 2020
  • Luật Đất đai năm 2013

Các hình thức sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Theo quy định tại Điều 55, Điều 56, Điều 169 Luật Đất đai năm 2013, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được sử dụng đất tại Việt Nam theo một trong các hình thức sau:

1, Giao đất có thu tiền sử dụng đất

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê (khoản 3 Điều 55).

2, Cho thuê đất

Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trong trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê (điểm đ khoản 1 Điều 56).

3, Nhận quyền sử dụng đất

– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp đang sử dụng đất có nguồn gốc được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê mà giá trị quyền sử dụng đất đã được vốn hóa vào vốn của doanh nghiệp, trừ trường hợp chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp. (điểm b khoản 1 Điều 169);

– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê (điểm g khoản 1 Điều 169).

– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ…(điểm k khoản 1 Điều 169).

Điều kiện để doanh nghiệp nước ngoài thuê đất tại Việt Nam là gì?

Căn cứ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai 2013 thì doanh nghiệp nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất thu tiền đất hàng năm hoặc thu tiền đất một lần cho cả thời gian thuê để đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê.

Đối chiếu với Điều 52, để cho thuê đất cần căn cứ vào:

1. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Thêm vào đó, khoản 3 Điều 58 Luật này cũng quy định người được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư phải có các điều kiện sau:

– Có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư. Cụ thể:

+ Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20ha trở lên;

+ Có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân khác.

– Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư;

– Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác. Việc xác định các căn cứ theo:

+ Kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai đối với các dự án tại địa phương được lưu trữ tại Sở Tài nguyên và Môi trường;

+ Nội dung công bố về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai và kết quả xử lý vi phạm pháp luật đất đai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai đối với các dự án thuộc địa phương khác.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể kinh doanh bất động sản bằng những hình thức nào?

Căn cứ Điều 11 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định về phạm vi kinh doanh bất động sản như sau:

“Điều 11. Phạm vi kinh doanh bất động sản của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

1. Tổ chức, cá nhân trong nước được kinh doanh bất động sản dưới các hình thức sau đây:

b) Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại;

d) Đối với đất được Nhà nước cho thuê thì được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê; đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng không phải là nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua;

h) Nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua;

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh bất động sản dưới các hình thức sau đây:

b) Đối với đất được Nhà nước giao thì được đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua;

3. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh bất động sản dưới các hình thức sau đây:

a) Các hình thức quy định tại các điểm b, d, h khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này;

b) Đối với đất thuê trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thì được đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để kinh doanh theo đúng mục đích sử dụng đất.

Như vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh bất động sản dưới một số hình thức theo các quy định đã trích dẫn ở trên.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua  hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua emaillienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!